Trump có thể tự hủy hoại thanh danh vì sa thải giám đốc FBI

Các chuyên gia Mỹ cho rằng việc sa thải giám đốc FBI ẩn chứa rủi ro đối với thanh danh của Tổng thống Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, ngoài cùng bên trái, không lâu sau khi tuyên bố sa thải giám đốc FBI. Ảnh:AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, ngoài cùng bên trái, không lâu sau khi tuyên bố sa thải giám đốc FBI. Ảnh:AP

"Việc bãi nhiệm ông Comey rõ ràng có khả năng hủy hoại danh tiếng của Tổng thống Trump cũng như với khái niệm pháp quyền của Mỹ", Giáo sư Jim Riddlesperger, Đại học Công giáo Texas, Mỹ, trao đổi với VnExpress sau khi James Comey, giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) vừa bị tổng thống cách chức.

Tổng thống Mỹ Trump hôm 10/5 đã gây chấn động khi bãi nhiệm ông Comey, với lý do FBI đưa ra thông tin không chính xác về vấn đề thư điện tử của bà Hillary Clinton trước quốc hội. 

Trong thư gửi ông Comey, ông Trump cho rằng ông "không đủ khả năng lãnh đạo cục một cách hiệu quả". Quyết định sa thải có hiệu lực tức thì, theo quy định kế nhiệm của FBI, Andrew G. McCabe, cấp phó của ông Comey, trở thành quyền giám đốc.

Giáo sư Riddlesperger cho rằng những lý do sa thải tổng thống nêu ra đã phớt lờ thực tế là FBI đang điều tra mối liên hệ chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

"Rõ ràng tổng thống đang cố ngăn việc xúc tiến cuộc điều tra và ông Trump không coi trọng những tiêu chuẩn chung về pháp quyền của Mỹ", ông Riddlesperger nói.

Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư Smith,  Đại học bang San Francisco, đánh giá tổng thống Mỹ bãi nhiệm giám đốc FBI không dựa trên những căn cứ xác đáng mà chủ yếu nhằm ngăn cản cuộc điều tra về Moscow. Ông Smith hy vọng dù ai được bầu thay vào vị trí của ông Comey, vụ việc này vẫn cần được xúc tiến. 

"Nhóm phụ trách do ông Comey giao nhiệm vụ thực hiện vụ điều tra vẫn có thẩm quyền và người kế nhiệm có thể không dừng việc này", ông Smith bày tỏ hy vọng.

Trong một diễn biến khác, khi được hỏi liệu ông Comey nói Tổng thống Donald Trump không bị điều tra về cáo buộc thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016 hay không, quyền giám đốc FBI Andrew McCabe đã từ chối trả lời.

Giáo sư của Đại học Công giáo Texas cho rằng thời điểm này chính phủ Mỹ cần hết sức thận trọng. Chính phủ cần bảo đảm giám đốc mới của FBI phải là người mạnh mẽ và độc lập, không chịu sự ảnh hưởng của ông Trump. Mỹ cũng cần phải xem xét việc cần có một tiếng nói độc lập, chẳng hạn như một luật sư độc lập, để hoàn tất cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với Nga nhằm phá hoại nỗ lực của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton năm ngoái.

"Những điều này chắc chắn là nhiệm vụ khó khăn", ông Riddlesperger nói.

Chuyên đề