Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua ký luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga dù cho rằng quốc hội Mỹ đã đưa vào luật này một số điều khoản "vi hiến" khi vội vàng thông qua. Giới phân tích cho rằng tuyên bố này thể hiện sự bất bình của Trump khi phải đặt bút ký đạo luật mà ông không mong muốn, nhưng đồng thời cũng cho thấy Tổng thống vẫn đang hiểu nhầm về cơ chế phân chia quyền lực ở Mỹ, theo CNN.
"Tôi đã xây dựng một công ty thực sự vĩ đại trị giá hàng tỷ USD. Đó là một phần lý do lớn tôi được bầu. Là Tổng thống, tôi có thể đạt được những thỏa thuận với nước ngoài tốt hơn quốc hội", ông khẳng định. Ông cho rằng luật trừng phạt Nga đã xâm phạm thẩm quyền của nhánh hành pháp trong việc thương lượng, khiến cho Mỹ khó khăn hơn trong việc đạt được những thỏa thuận tốt và sẽ "khiến Trung Quốc, Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn".
Trên thực tế, chữ ký của ông Trump không mang ý nghĩa quyết định đối với luật trừng phạt này. Dự luật đã được cả hạ viện và thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo, nên ngay cả khi ông không chịu ký, quốc hội vẫn có thể biến nó thành luật mà không cần sự phê chuẩn của Tổng thống.
Trump không phải là tổng thống Mỹ duy nhất từng hậm hực với điều mà ông cho là việc lấn át quyền lực hành pháp của mình. Cựu tổng thống George W. Bush thường xuyên hục hặc với quốc hội về quyền nghe lén công dân Mỹ mà không cần lệnh của tòa án. Barack Obama cũng khiến nhiều nghị sĩ tức giận với việc qua mặt họ bằng các sắc lệnh hành pháp.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà quan sát ngạc nhiên là sau 6 tháng nhậm chức, ông Trump vẫn chưa hiểu rõ về cách thức phân chia quyền lực giữa ba nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp của Mỹ, cũng như một thực tế rằng không phải bất cứ ai trong chính quyền Mỹ cũng làm việc cho ông.
Bình luận viên Chris Cillizza cho rằng thông điệp mà ông Trump đưa ra trong phản ứng với quốc hội về đạo luật trừng phạt Nga là "các nghị sĩ Đồi Capitol không biết họ đang làm gì và họ không nên qua mặt ông trong bất cứ vấn đề nào", đặc biệt là khi ông đã là một doanh nhân nổi tiếng với khả năng đàm phán, sở hữu công ty lớn trị giá nhiều tỷ USD.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump có phản ứng kiểu này với quốc hội. Khi thượng viện Mỹ không thể thông qua dự luật bãi bỏ Obamacare hồi tuần trước, Trump đã thể hiện sự thất vọng rõ ràng và liên tục quở trách các thượng nghị sĩ đã không tuân theo mệnh lệnh của ông.
"Nếu các thượng nghị sĩ Cộng hòa không toàn là những kẻ hèn nhát, việc bãi bỏ và thay thế dự luật này đã không chết yểu như vậy! Yêu cầu một cuộc bỏ phiếu nữa trước khi thông qua bất cứ dự luật nào khác!", Trump viết trên Twitter hôm thứ bảy. Trong một bài đăng khác, ông viết: "Thành viên đảng Cộng hòa trong thượng viện sẽ không bao giờ thắng nếu họ không có đạt được 51 phiếu để chiếm đa số ngay bây giờ. Họ giống như lũ ngốc và chỉ đang lãng phí thời gian".
Trump từng chỉ trích các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa vì không bãi bỏ được ObamaCare. Ảnh:CNN
Trong cuộc phỏng vấn này và nhiều tuyên bố khác, Trump không hề mảy may thừa nhận rằng một người có vai trò lớn trong chiến dịch tranh cử như Sessions không thể giám sát cuộc điều tra về cáo buộc thông đồng trong cuộc bầu cử. "Suy nghĩ đó chưa bao giờ đến trong đầu Trump", Cillizza viết.
Lối nghĩ tương tự cũng được ông Trump thể hiện hồi đầu năm nay, sau khi tòa án liên bang bác bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh của ông. "Ý kiến của người được gọi là thẩm phán đó là lố bịch và cần bị đảo ngược", Trump nhận xét về thẩm phán ra quyết định ngừng lệnh hạn chế nhập cảnh. "Thật không thể tin được một thẩm phán lại có thể đưa nước Mỹ vào tình thế như vậy. Nếu có gì xảy ra hãy đổ lỗi cho ông ta về hệ thống tòa án. Người ta vẫn tràn vào. Thật tệ", Trump đăng trên Twitter vào hôm sau.
Cillizza cho rằng quan điểm của Trump là tất cả những người trong chính quyền Mỹ đều phải làm việc cho ông và tuân thủ mọi mệnh lệnh của ông, vì ông là Tổng thống. Điều này thể hiện rất rõ khi ông liên tục gọi các sĩ quan cấp cao trong quân đội là "các vị tướng của tôi".
Khi thông báo trên Twitter quyết định sẽ cấm quân nhân chuyển giới phục vụ trong quân đội hồi tuần trước, ông Trump cho biết đã "tham vấn với các vị tướng của tôi và nhiều chuyên gia quân sự".
Nhưng theo Cillizza, dù tổng thống Mỹ là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, họ thường không coi các vị tướng là những người làm việc cho mình, cũng rất hiếm khi dùng từ "của tôi" để mô tả các quân nhân.
Bình luận viên này cho rằng Trump có cách nhìn nhận trên bởi ông xuất thân từ giới kinh doanh, nơi mọi người tại Tập đoàn Trump luôn báo cáo mọi việc với ông và nghe lời ông răm rắp. "Đó là thế giới duy nhất mà ông ấy quen thuộc", Cillizza viết.
Tuy nhiên nước Mỹ không phải là Tập đoàn Trump. Các nghị sĩ được bầu để đại diện cho người dân, không phải thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu nhánh hành pháp. "Chúng tôi làm việc cho người Mỹ. Chúng tôi không làm việc cho tổng thống", thượng nghị sĩ Tim Scott hôm 1/8 tuyên bố thẳng thừng trong cuộc phỏng vấn với Washington Post. "Chúng tôi sẽ làm những điều có lợi cho chính quyền miễn là điều đó không khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn cho người dân Mỹ dưới bất cứ hình thức nào".
Các thành viên nhánh tư pháp cũng vậy, nhiệm vụ của họ là giám sát việc thực thi pháp luật, không phải chấp nhận những điều luật mà tổng thống thích.
"Tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ qua có xu hướng mở rộng quyền hành pháp của mình, đặc biệt là trong quan hệ với quốc hội. Nhưng chưa có tổng thống nào phớt lờ nguyên tắc phân chia quyền lực như Trump", Cillizza nhấn mạnh.