Chính phủ trình Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV |
Theo Nghị quyết, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường bảo hiểm; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật; tương thích với các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chính phủ thống nhất đối với nội dung cơ bản của dự án Luật và yêu cầu chỉnh lý một số nội dung.
Thứ nhất, quy định về tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô chỉnh lý theo hướng Tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô, gồm: doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập, hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình. Không mở rộng đối tượng cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô đối với Hợp tác xã và Doanh nghiệp bảo hiểm vi mô.
Quy định điều chỉnh về bảo hiểm bắt buộc tại các luật chuyên ngành khác: Bổ sung quy định về mặt nguyên tắc việc điều chỉnh đối với bảo hiểm bắt buộc được quy định tại các luật chuyên ngành khác và giao Chính phủ quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu và các vấn đề có liên quan khác.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các quy định của Dự thảo Luật về: hợp đồng bảo hiểm; liên kết giữa bảo hiểm y tế của Nhà nước với bảo hiểm sức khỏe trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài; phê chuẩn, chấp thuận một số chức danh trong doanh nghiệp; đồng tiền sử dụng để góp vốn điều lệ. Vấn đề chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm; thanh tra hoạt động bảo hiểm và các nội dung khác nhằm cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm tính minh bạch, khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế cũng là những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.