Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới thị sát một cơ sở sản xuất tên lửa và thiết bị hình cầu màu trắng trong ảnh được cho là đầu đạn hạt nhân. (Ảnh: KCNA) |
Theo Sputnik, những số liệu trên do Viện Khoa học và An ninh quốc tế có trụ sở tại Washington, Mỹ đưa ra dựa trên những tính toán về số lượng plutonium và uranium ngày càng tăng của Triều Tiên.
Thông tin do Viện Khoa học và An ninh quốc tế cung cấp cho thấy sự thay đổi đáng kể về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên so với các dự tính trước đây. Năm 1999, báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tin rằng Triều Tiên chỉ có từ 1 đến 2 đầu đạn hạt nhân và chỉ có thể tăng lên tối đa 10 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020.
Ông David Albright, người sáng lập Viện Khoa học và An ninh quốc tế, nói với Washington Times rằng: “Điểm mấu chốt ở đây là Triều Tiên đã cho thấy sự cải thiện về kho vũ khí hạt nhân của nước này. Những năm vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng công khai và đáng kể trong năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”.
Theo Sputnik, điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên đang nổi lên như một quốc gia hạt nhân có đủ khả năng tấn công các quốc gia lân cận và được cho là đang tìm cách nâng cao năng lực tấn công để có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
“Triều Tiên có thể sử dụng các bệ phóng vệ tinh của nước này hiện nay để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ, tuy nhiên khả năng này khó xảy ra”, ông Albright nhận định.
Cũng theo ông Albright, hiện vẫn chưa thể kết luận chắc chắn rằng Triều Tiên đã phát triển được các đầu đạn hạt nhân đủ tin cậy để gắn lên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này trong khi Bình Nhưỡng từng tuyên bố đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng được cho là có thể đưa đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ hơn lên tên lửa tầm ngắn Nodong với khả năng tấn công Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.