Tên lửa được cho là KN-17 trong lễ diễu binh của Triều Tiên hôm 15/4. (Ảnh: Telegraph) |
Theo thống kê của đài ABC News, kể từ đầu năm nay, Triều Tiên đã thực hiện 9 vụ thử tên lửa. Giới chuyên gia cho rằng, hầu hết tên lửa trong 9 cuộc thử nghiệm này là tên lửa KN-17, loại tên lửa có thể tấn công mục tiêu di động.
Hình ảnh đầu tiên của KN-17 xuất hiện trong cuộc diễu binh hôm 15/4 của Triều Tiên nhân kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Tên lửa này được cho là một trong những nỗ lực của Triều Tiên nhằm phát triển năng lực phát triển tên lửa chống hạm (ABSM).
Trung Quốc mới đây đã gây chú ý với việc lần đầu phóng thử nghiệm tên lửa tầm trung DF-21D. Được phóng đi từ bệ phóng di động giống như một xe tải, các đầu đạn của DF-21D được thiết kế có thể tấn công các mục tiêu có quỹ đạo thấp như tàu sân bay và gây thiệt hại lớn.
Giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, KN-17 cũng là một dạng tương tự DF-21D. KN-17 có thể gắn một đầu đạn hạt nhân. Không giống các tên lửa khác của Triều Tiên, KN-17, có các gờ ở phía mũi, giống như các đầu đạn hạt nhân trên các phương tiện phóng trở lại trái đất cơ động (MaRV). Chỉ khi cần tiêu diệt mục tiêu di động mới cần đến một đầu đạn MaRV.
Hình ảnh được cho là từ vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
Bình luận về vụ thử tên lửa hôm 29/5 vừa qua, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết, đây là vụ thử nghiệm “tên lửa đạn đạo dẫn đường chính xác có khả năng tấn công cực kỳ chính xác”. “Tên lửa đạn đạo đã bay về bầu trời phía đông nơi mặt trời mọc và chỉ chệch mục tiêu dự kiến 7m sau khi bay qua quãng đường tầm trung”, KCNA cho biết.
KCNA nhấn mạnh, vụ thử nghiệm nhằm “kiểm chứng khả năng bay ổn định của tên lửa mang đầu đạn nhờ các cánh kiểm soát”, đồng thời “kiểm chứng tính chính xác của hệ thống dẫn đường”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi các vụ thử nghiệm KN-17 suôn sẻ ngay ngày mai, Triều Tiên vẫn phải mất một thời gian dài nữa mới có thể đưa tên lửa này vào vận hành hiệu quả.
Một tàu sân bay di chuyển với tốc độ khoảng 70km/h, để tấn công một tàu sân bay, tên lửa cần cái gọi là “chuỗi tiêu diệt” gồm radar giám sát, máy bay không người lái, vệ tinh, máy bay và tàu trang bị radar cùng hệ thống liên lạc để đảm bảo phát hiện, theo dõi mục tiêu trong thời chiến.
Trong khi đó, một nhóm tàu tác chiến do tàu sân bay của Mỹ dẫn đầu tất nhiên sẽ không thụ động trước cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên. Các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Mỹ phải làm nhiệm vụ đảm bảo con tàu luôn tránh khỏi tầm bắn của một tên lửa KN-17. Ngoài ra, lực lượng của Mỹ cũng có thể vô hiệu hóa “chuỗi tiêu diệt” như: bắn hạ máy bay không người lái, đánh chìm tàu phụ trợ, làm nhiễu sóng radar.
Trong trường hợp phát hiện một tên lửa KN-17 đang bay về phía tàu sân bay, các tàu khu trục và tàu hành trình của Hải quân Mỹ có thể phóng tên lửa đánh chặn SM-3 Block IB.
Mặc dù vậy, nếu Triều Tiên thực sự sở hữu hệ thống “sát thủ tàu sân bay”, đó sẽ là một trong những vũ khí nguy hiểm nhất của nước này và là sự thách thức vị thế của Hải quân Mỹ.