Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Trao quyền cho người đứng đầu tạo động lực phát triển
Theo ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình lựa chọn phương án 1 về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Theo phương án này, không có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mà thực hiện thiết chế Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Tuy nhiên, cũng không ít đại biểu bày tỏ lo lắng khi trao quá nhiều quyền cho trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có thể dẫn đến lạm quyền nếu không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), với việc trao quyền cho trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thể hiện có sự đổi mới thể chế hành chính, tinh gọn bộ máy phù hợp tính chất đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đúng với định hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tạo sự chủ động phương thức quản lý tiên tiến, đúng với Hiến pháp.
Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được ủy quyền từ cấp Trung ương và cấp tỉnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định và giải quyết kịp thời thông suốt những vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn, đây là yếu tố quan trọng cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư phát triển.
“Theo tôi, trao quyền và trách nhiệm, chọn đúng người vào vị trí trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có phẩm chất tốt, năng động sẽ đáp ứng yêu cầu vận hành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo chủ trương pháp luật. Việc không tổ chức hội đồng nhân dân là điểm khác biệt nhưng không làm giảm đi sự giám sát của cơ quan dân chủ và nhân dân, cơ chế giám sát được đảm bảo thông qua nhiều phương án giám sát...”, đại biểu Lan nhấn mạnh.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), tính tự chủ, tự quản là "linh hồn" của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, vì vậy không nên áp dụng mô hình hành chính trực thuộc tỉnh như các địa phương hiện nay để áp dụng cho mô hình này. Thay vào đó, nên quy định mô hình này thuộc Chính phủ hoặc có thể được phân cấp một số quyền của Chính phủ và UBND tỉnh, người đứng đầu các đơn vị này được Thủ tướng Chính phủ phân cấp một số quyền của Thủ tướng và Chủ tịch UBND tỉnh cho phù hợp hơn.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thể hiện sự vượt trội, đột phá về giao thẩm quyền song cơ chế kiểm soát còn chung chung, đề nghị cân nhắc, xem xét quy định cho rõ thêm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tổ chức chính quyền địa phương đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng, của Nhà nước nhưng có sự ràng buộc, chịu sự giám sát, phải báo cáo thường xuyên với hội đồng nhân dân và Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi cần, ngoài ra phải chịu sự giám sát và phản biện Mặt trận Tổ quốc. Như vậy, giao quyền hành cho trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhưng có quá nhiều ràng buộc.
“Chính vì thế tôi chọn phương án 2, nếu được giao quyền ngang hành với cấp tỉnh và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và sự hướng dẫn trực tiếp của các Bộ ngành thì đặc khu sẽ không có sự ràng buộc của cấp tỉnh, dễ dàng hoạt động. Như vậy, người đứng đầu đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ chịu sự giám sát, chỉ đạo trực tiếp của trung ương mà không phải qua cấp tỉnh để tránh sự chồng chéo về chức năng”, đại biểu Hòa đề xuất.
Còn đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) không đồng tình với cả 2 phương án được đưa ra, vì 1 phương án bỏ qua nguyên tắc kiểm soát quyền lực, đây là phương án quay trở lại mô hình cũ không có đột phá, không phù hợp với đặc khu.
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu nên thành lập Hội đồng đặc khu, có 2 cách tổ chức có thể thuần túy gồm các chuyên gia theo lĩnh vực kinh tế, tài chính, tài nguyên môi trường, quốc phòng, an ninh, văn hóa... những chuyên gia này sẽ Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm sau đó các chuyên gia này tham gia hội đồng thực hiện chức năng giám sát, kiến nghị. Hoặc phương án 2 là trong thành phần gồm chuyên gia và nửa thành viên do dân bầu, kết hợp chức năng giám sát, nghe nguyện vọng nhân dân nhưng quan trọng nhất là gồm nhiều chuyên gia thực hiện chức năng giám sát, khuyến nghị với trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt khi họ được giao nhiều thẩm quyền và quyết định nhiều chính sách quan trọng.
Giám sát như thế nào?
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) tranh luận về việc một số đại biểu băn khoăn việc thực hiện chức năng giám sát trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nếu không có hội đồng nhân dân. Theo đại biểu Hoa, chúng ta không nên quá lo lắng vì có cơ chế giám sát chặt chẽ người đứng đầu đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Đó là sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu quốc hội tỉnh, là cơ chế giám sát từ trên xuống của cơ quan dân cử. Cùng với đó là giám sát trực tiếp công dân qua đơn tố cáo khiếu nại và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Với tư cách là người do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm thì người trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chịu sự giám sát của Thủ tướng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch UBND tỉnh, do đó, chúng ta có thể yên tâm luôn có sự giám sát đối với trưởng đơn vị đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trên địa bàn”, đại biểu Hoa cho biết.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Huỳnh Thành Chung phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
“Với vai trò trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Đảng và nhân dân, nếu chúng ta quá dựa vào cơ chế tập thể thì tính chịu trách nhiệm cá nhân phần nào bị hạn chế cùng với những cơ chế giám sát của Nhà nước, hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì người đứng đầu không thể trục lợi mà phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình”, đại biểu Chung cho biết.