Tranh cãi về điều cấm đối với thẩm định viên về giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá (TĐG).
Luật Giá không hạn chế thẩm định viên về giá hoạt động trong các bộ phận của doanh nghiệp thẩm định giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Luật Giá không hạn chế thẩm định viên về giá hoạt động trong các bộ phận của doanh nghiệp thẩm định giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Trong đó, một số nội dung vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như hành vi bị cấm đối với thẩm định viên về giá, phương thức giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký hành nghề TĐG, thay đổi danh sách thẩm định viên...

Cụ thể, về hành vi bị cấm đối với thẩm định viên về giá, Khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định: “Thẩm định viên về giá chỉ được đăng ký hành nghề tại một doanh nghiệp (DN) TĐG tại một địa điểm. Trường hợp thẩm định viên về giá đã đăng ký hành nghề tại chi nhánh TĐG của DN đó thì không được ký chứng thư TĐG và báo cáo kết quả TĐG tại trụ sở chính của DN”.

Mục đích của quy định trên là tránh DN có số lượng thẩm định viên ít nhưng lại muốn mở nhiều chi nhánh dẫn đến khó quản lý.

Tuy nhiên, theo Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban soạn thảo cần cân nhắc việc đưa ra quy định này và nên giữ nguyên quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 38/2014/TT-BTC: “Thẩm định viên về giá không được thực hiện đăng ký hành nghề TĐG trong cùng một thời gian cho từ hai DN TĐG trở lên”.

Về tính thống nhất, việc yêu cầu thẩm định viên về giá đã đăng ký hành nghề tại chi nhánh TĐG của DN đó thì không được ký chứng thư TĐG và báo cáo kết quả TĐG tại trụ sở chính của DN là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá. Điểm b Khoản 4 Điều 10 Luật Giá chỉ cấm thẩm định viên về giá không được thực hiện đăng ký hành nghề TĐG trong cùng một thời gian cho từ hai DN TĐG trở lên, chứ không hạn chế thẩm định viên về giá hoạt động trong các bộ phận của DN.

Còn về tính hợp lý, việc thẩm định viên về giá đăng ký hoạt động tại chi nhánh nhưng ký chứng thư TĐG và báo cáo kết quả TĐG tại trụ sở chính trong một DN là hoạt động mang tính nội bộ của DN. Pháp luật về giá không nên can thiệp vào vấn đề này.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, chi nhánh chỉ thực hiện công việc mà tổng giám đốc ủy quyền cho chi nhánh. Đã là chi nhánh thì bắt buộc phải có 2 thẩm định viên và phải được DN lập ra chi nhánh đó đăng ký hành nghề. Còn quản lý, ngăn chặn việc cho thuê, cho mượn thẻ thẩm định viên là phải quản lý khi DN đăng ký hành nghề thẩm định giá cho thẩm định viên như hợp đồng lao động, bảng lương, nộp bảo hiểm cho người lao động...

Đối với phương thức giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký hành nghề TĐG, Dự thảo quy định: Định kỳ vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng, Bộ Tài chính ban hành Thông báo công bố Danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề TĐG tại DN đã gửi đủ 1 bộ hồ sơ do DN lập theo quy định. Trong khi đó, Thông tư số 38/2014/TT-BTC quy định là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài chính ban hành Thông báo đủ điều kiện hành nghề TĐG.

Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố Danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề TĐG tại DN vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng sẽ dẫn tới hiện tượng DN nộp hồ sơ từ đầu tháng, cuối tháng mới có kết quả, thời gian giải quyết thủ tục sẽ là 30 ngày, dài hơn rất nhiều so với quy định tại Thông tư 38/2014/TT-BTC. Hoặc nếu DN nộp hồ sơ vào ngày liền kề trước ngày cuối tháng, liệu cơ quan có thẩm quyền có đủ nhân lực và thời gian để xem xét điều kiện của thẩm định viên về giá không? Quy định như vậy sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các DN khi thời gian giải quyết thủ tục hành chính khác nhau dựa vào thời điểm nộp hồ sơ của DN khác nhau.

Để bảo đảm tính hợp lý và cải cách thủ tục hành chính, VCCI kiến nghị Ban soạn thảo thiết kế phương thức giải quyết tương tự như quy định tại Thông tư số 38/2014/TT-BTC, nhưng thời hạn có thể rút xuống khoảng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cho rằng, nên bỏ quy định tại Dự thảo đối với trường hợp không thay đổi danh sách thẩm định viên, DN phải gửi “kèm theo bản sao công chứng giấy chứng nhận cập nhật kiến thức về TĐG của năm hiện tại”. Yêu cầu này là không cần thiết và tạo gánh nặng về thủ tục cho DN, bởi thực tế cơ quan nhà nước có thể trích xuất thông tin sẵn có từ các cơ sở đào tạo.

Chuyên đề