Đa phần các nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung đều ở nước ngoài. Ảnh: Hải Linh |
Các DN này cũng mới chỉ tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp, đơn giản, như in ấn, bao bì, cơ khí.
Sát hạch gắt gao
Ông Oh Sang Hoon, Giám đốc thu mua của Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc, cho biết, trong số 190 công ty tại Việt Nam cung ứng cho hãng điện thoại di động này trong năm 2016 thì có 12 nhà cung ứng cấp 1 (chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, ép khuôn, bao bì), còn lại là 178 nhà cung ứng cấp 2 (chiếm phần lớn là in, bao bì). Cụ thể, số DN Việt trong chuỗi cung ứng của Samsung tại miền Bắc là 6 DN cấp 1, 155 DN cấp 2; tại TP.HCM là 6 DN cấp 1 và 23 DN cấp 2. Trong số đó, một số nhà cung cấp bao bì, đóng gói cấp 1 có mức tăng trưởng tốt (59%) chỉ sau một năm hợp tác với Samsung.
Theo ông Oh Sang Hoon, công nghệ, chất lượng, khả năng đáp ứng giao nhận hàng, đảm bảo môi trường, tài chính và tuyệt đối tuân thủ pháp luật là những yếu tố cần thiết của nhà cung ứng cho Samsung. Điều lưu ý, trong quá trình cung ứng, nếu phát hiện đối tác nội có bất cứ dấu hiệu vi phạm pháp luật nào tại Việt Nam (chẳng hạn luật lao động, luật môi trường) thì sẽ lập tức cắt giảm số lượng đơn hàng hoặc cắt luôn các giao dịch.
Nhà cung ứng cấp 1 thường được hiểu là bán hàng trực tiếp thay vì phải qua một công ty khác như các nhà cung cấp cấp 2. Nhưng theo các DN, để tham gia vào chuỗi cung ứng cấp 1, cấp 2 cho Samsung thì điểm yếu lớn của những nhà cung ứng nội địa vẫn là trình độ, nguồn lực, công nghệ, tài chính còn nhiều hạn chế.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ (SIDEC) thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), trong quy trình lựa chọn nhà cung cấp của Samsung, khi khảo sát trình độ của DN Việt thì họ sẽ đưa ra thông số kỹ thuật, quy cách và giá của linh phụ kiện sẽ giao dịch. Đồng thời, sẽ xem xét xem các DN đó có khả năng sản xuất các linh phụ kiện mà Samsung hoặc nhà cung cấp cấp 1 đang sản xuất hay không. Ngoài ra, hãng này và nhà cung cấp cấp 1 sẽ kiểm định hàng mẫu do DN Việt sản xuất về các hạng mục: Chất gây hại, mức độ tin cậy, khả năng sản xuất hàng loạt…
Phải biết kiên nhẫn?
Thực tế, các nhà cung ứng nội địa cho Samsung chỉ mới tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp, đơn giản, như in ấn, bao bì, cơ khí. Còn các lĩnh vực phụ trợ khác vẫn chưa thể đáp ứng do trình độ, công nghệ vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, đa phần các nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung đều ở nước ngoài hoặc là các DN đi theo Samsung vào Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu linh kiện điện thoại của Việt Nam năm ngoái đã đạt đến con số 10 tỷ USD cũng một phần lý giải chuyện này.
Đây cũng là lý do mà vị Phó Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM lưu ý, nếu chỉ dựa vào sự hỗ trợ của Samsung thì công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không thể phát triển được. Ngay như Hàn Quốc, đến giờ mới nhìn rõ sự phát triển của lĩnh vực này từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc và nỗ lực của bản thân DN. Do đó, để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam phải biết kiên nhẫn.
Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đề nghị, với tư cách là nhà đầu tư lớn, nhận được ưu đãi bằng quyết định riêng của chính quyền TP.HCM thì Samsung cần thể hiện được điều mong mỏi là hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cùng lớn mạnh trên thị trường. Lẽ đương nhiên, những yêu cầu tiêu chuẩn cao của Samsung thì các nhà cung ứng nội sẽ phải đáp ứng.