TPHCM: Lại thêm 4 gối caosu dầm cầu metro số 1 bị lệch khỏi vị trí

0:00 / 0:00
0:00
4 gối caosu dầm cầu cạn thuộc đoạn trên cao metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bị lệch khỏi vị trí đá kê gối 7mm và 11mm không rõ nguyên nhân.
Sự cố rớt gồi caosu hồi tháng 10.2020 khiến đoạn đường ray đã lắp phía trên hư hỏng, bêtông đệm đường ray cùng vị trí bị nứt
Sự cố rớt gồi caosu hồi tháng 10.2020 khiến đoạn đường ray đã lắp phía trên hư hỏng, bêtông đệm đường ray cùng vị trí bị nứt

Ngày 2/4, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư), cho biết mới đây qua kiểm tra, các đơn vị phát hiện 4 gối caosu thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) lệch khỏi đá kê gối 7mm và 11mm không rõ nguyên nhân.

Cụ thể, 2 gối caosu bản thép (của nhà sản xuất Mageba) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P9-05 thuộc đoạn cầu cạn VD9 và 2 gối caosu bản thép (của nhà sản xuất Kawakin) tại vị trí trụ P11-06 thuộc đoạn cầu cạn VD11.

Trước đó, cuối tháng 10.2020, gối caosu dầm cầu cạn tại trụ P14-10 bị phát hiện rơi ra ngoài. Trong lúc sự việc đang điều tra, hai tháng sau thêm một gối cầu khác bị lệch khỏi vị trí 100mm tại trụ P12-34.

Các sự cố trên đều thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) do liên danh Sumitomo - Cienco6 (SCC) làm tổng thầu.

Qua các cố trên, MAUR nhận định ban đầu các gối caosu bản thép sử dụng cho cầu cạn đang tiếp tục bị dịch chuyển, xô lệch khỏi đá kê gối và có tính chất hệ thống (xảy ra hàng loạt).

Việc khẩn trương làm rõ nguyên nhân các sự việc trên là khẩn cấp nhằm giảm tối đa các ảnh hưởng, thiệt hại đến toàn bộ kết cấu bên trên do tổng thầu của gói CP2 đã thi công xây dựng và tổng thầu gói thầu số 3 đang thi công lắp đặt. Đồng thời, việc nhanh chóng thực hiện khắc phục gối cầu bị rơi, các gối cầu bị dịch chuyển nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dự án và triển khai các công việc tiếp theo đạt chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên cho đến nay, liên danh SCC vẫn tiếp tục chậm trễ trong phối hợp, thực hiện các yêu cầu của Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Cơ quan Hội đồng nghiệm thu nhà nước, các ý kiến góp ý của chuyên gia chuyên môn nhằm tìm nguyên nhân, giải pháp giải quyết sự việc.

Theo MAUR, việc chậm trễ xuất phát từ việc liên danh SCC đã giảm bớt nhân sự, thay đổi cơ cấu tổ chức so với quy định của hợp đồng đã dẫn đến không đảm bảo việc quản lý chất lượng, tiến độ công việc, tuân thủ nội dung hợp đồng. Do vậy, liên danh này chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với việc chậm trễ nêu trên và chất lượng công trình.

Trước đó, MAUR và tổ rà soát nguyên nhân sự cố đã đưa ra 4 nhận định ban đầu dẫn tới sự cố 2 gối caosu bị rơi và xê dịch được phát hiện cuối năm 2020.

Một là thiếu sót của nhà thầu phụ Sytra trong quá trình thiết kế. Hai là sai sót của liên danh SCC về thi công, lắp đặt gối caosu. Ba là sử dụng vật liệu, chế tạo gối cao su không đúng theo quy định và tiêu chuẩn được duyệt của dự án. Cuối cùng, sự thiếu trách nhiệm của liên danh tư vấn NJPT trong quá trình nghiệm thu công việc lắp đặt, thi công của nhà thầu cũng như chất lượng dự án.

Tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức). Công trình hiện đạt hơn 83% khối lượng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2022.

Chuyên đề