TP.HCM bắt đầu kiểm tra chung cư xây dựng trước năm 1994. |
Theo đó, các công trình được kiểm định gồm: nhà chung cư được xây dựng trước năm 1994; các nhà biệt thự, trụ sở làm việc, các công trình công cộng được xây dựng trước năm 1956 và các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tổng hợp, thống kê, đánh giá bước 1, phân loại và xác định các công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu.
Trước đó, Bộ Xây có văn bản số 312/BXD-GĐ gửi UBND thành phố về việc báo cáo tổng hợp theo nội dung Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị.
Tại TP.HCM, khi kiểm định 474 chung cư cũ, UBND các quận đã rà soát những chung cư được xây trước và sau năm 1975 có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Trong 36 chung cư kiểm định (phát sinh thêm), có 7 chung cư được xác định là nguy hiểm cấp C và 29 chung cư nguy hiểm cấp B.
Đánh giá về chất lượng các chung cư cũ trong quá trình kiểm định, ông Hoàng Đôn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kiểm định Sài Gòn (một trong những đơn vị tham gia kiểm định chung cư cũ) cho biết: trong quá trình kiểm định có một số chung cư hư hỏng nặng cần di dời gấp như chung cư 11 Võ Văn Tần, 128 Hai Bà Trưng, 440 Trần Hưng Đạo,…
Còn lại đa số là chung cư thuộc loại B và C. Tức là chung cư có hư hỏng xuống cấp nặng, nhưng chưa phải di dời gấp. Loại này, hệ kết cấu tạm thời sử dụng được trong thời gian ngắn sau khi được gia cố thêm. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tính tới phương án xây mới bởi những chung cư này đa phần được xây trước năm 1975 nên hạ tầng kỹ thuật yếu kém, vệ sinh môi trường sống bị ô nhiễm, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện, nước đều hư hỏng,…
Ông Nguyễn Thanh Xuyên, Phó phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Việc đánh giá an toàn chịu lực thực hiện theo Quy trình do Bộ Xây dựng ban hành thiếu khả thi, khi tính toán khả năng chịu lực phải có hồ sơ thiết kế nhưng hiện nay đa số các công trình đều không còn hồ sơ thiết kế, việc lập lại hồ sơ thiết kế theo hiện trạng phải khảo sát, đục kết cấu bê tông, đào móng, khảo sát địa chất,… sẽ gặp khó khăn do chủ sở hữu không cho khảo sát, khối lượng công việc, chi phí thực hiện rất lớn.
Hiện nay, các đơn vị tư vấn chỉ khảo sát, tính toán khả năng chịu lực của một vài bộ phận kết cấu công trình đại diện để xem xét đánh giá chất lượng. Ngoài ra, đơn vị kiểm định không xác định được thời hạn sử dụng còn lại của công trình để ban hành văn bản kết luận kiểm định theo quy định tại Khoản 2 Điều 99 Luật Nhà ở năm 2014 đối với các công trình không thuộc cấp D. Tuy nhiên, hiện nay việc phân loại thế nào là “nhà chung cư bị hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ” và “nhà chung cư nguy hiểm” chưa có hướng dẫn cụ thể mà chỉ dựa trên kiến nghị và đánh giá của đơn vị kiểm định.
Cũng theo ông Xuyên, đến nay Sở Xây dựng đã ban hành kết luận kiểm định chất lượng đối với 07 nhà chung cư thuộc diện nhà chung cư bị hư hỏng nặng, chung cư nguy hiểm (chung cư cấp D) gồm: chung cư số 128 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1; chung cư 155-157 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1; 11 đường Võ Văn Tần, phường 6, quận 3 (Khối nhà sau); chung cư 6Bis đường Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4; Vĩnh Hội, phường 6, quận 4; Trúc Giang, phường 13, quận 4; chung cư 440 Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5.
Đối với 07 nhà chung cư có kết quả kiểm định cấp D còn lại do thời gian thực hiện công tác kiểm định và lập hồ sơ kiểm định từ năm 2014 nên Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận giao các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát lại hiện trạng chất lượng công trình, lập bổ sung báo cáo kết quả kiểm định phù hợp các quy định hiện hành.