TP.HCM: Hoàn tất điều tra sai phạm tại Khu tái định cư An Phú Tây

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan điều tra nhận định, bị can Tề Trí Dũng là Tổng Giám đốc IPC nhưng đồng thời là Chủ tịch Hồi đồng quản trị Sadeco nên đủ cơ sở xác định bị can Dũng biết rõ tình hình tài chính và hoạt động.
Một góc khu tái định cư An Phú Tây. Nguồn: cand
Một góc khu tái định cư An Phú Tây. Nguồn: cand

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Khu tái định cư An Phú Tây (huyện Bình Chánh).

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố các bị can Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC), Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco), Vũ Xuân Đức (nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC), Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC), Mai Văn Đường (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên IPC), Mai Bửu Tâm (nguyên nhân viên Phòng Phát triển kinh doanh của IPC), Phạm Xuân Trung (nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo điều tra, Dự án Khu tái định cư An Phú Tây (có diện tích gần 47ha) được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Sadeco làm chủ đầu tư vào năm 2001, chủ yếu để xây dựng phục vụ tái định cư các dự án trong Khu đô thị phía Nam thành phố.

Tháng 6/2008, IPC và Sadeco ký hợp đồng với nội dung IPC góp vốn với Sadeco để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhận lại nền đất tại dự án An Phú Tây, tổng trị giá hợp đồng gần 215 tỷ đồng.

Sau đó, IPC nhận chuyển nhượng 151 nền đất từ Sadeco. Các nền đất tại khu tái định cư An Phú Tây được IPC mua lại từ Sadeco với mục đích để chuẩn bị cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khu B, C, D, E thuộc Khu đô thị Nam Sài Gòn.

Đến năm 2016, Tề Trí Dũng có báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu rằng: do trách nhiệm bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc Liên doanh Phú Mỹ Hưng thực hiện nên IPC không còn nghĩa vụ bỏ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí chuẩn bị quỹ nền tái định cư cho khu B, C, D, E thuộc khu đô thị Nam Sài Gòn.

Do đó, Tề Trí Dũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép IPC được chuyển đổi mục đích tái định cư đối với các nền đất tại khu An Phú Tây thành mục đích thương mại trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, trong khi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có ý kiến về việc này, Tề Trí Dũng đã ký các hợp đồng đặt cọc mua bán các nền đất với đơn giá 7 triệu đồng/m2 áp dụng cho toàn bộ vị trí, diện tích, loại nền đất.

Ngoài ra, quá trình giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Sadeco, Tề Trí Dũng được Sadeco gửi các Thông báo ngày 22/6/2016, ngày 28/9/2016, thông báo giá Sadeco chuyển nhượng các nền đất tại dự án khu định cư An Phú Tây với giá chuyển nhượng thấp nhất là 8,16 triệu đồng/m2, cao nhất là 14,88 triệu đồng/m2.

Giá chuyển nhượng này cao hơn giá IPC thỏa thuận với khách hàng nhưng Tề Trí Dũng không rà soát, kiểm tra lại mà vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng cho các khách hàng cá nhân.

Cơ quan điều tra nhận định, bị can Tề Trí Dũng là Tổng Giám đốc IPC nhưng đồng thời là Chủ tịch Hồi đồng quản trị Sadeco nên đủ cơ sở xác định bị can Dũng biết rõ tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của hai doanh nghiệp này.

Việc Dũng khai không biết giá đang kinh doanh của Sadeco là gian dối, né tránh trách nhiệm.

Như vậy, việc bán 149/151 nền đất thuộc sở hữu của IPC tại dự án An Phú Tây, Tề Trí Dũng và cấp dưới đã cố tình thực hiện các thủ tục chuyển nhượng 149 nền đất cho các cá nhân với giá rẻ hơn giá thị trường và rẻ hơn giá Sedeco đang kinh doanh, mặc dù có cùng loại nền và cùng dự án An Phú Tây.

Việc IPC chuyển nhượng các nền đất đã được Kiểm toán Nhà nước xác định không đạt hiệu quả kinh tế. Kết quả định giá cũng xác định bán giá thấp hơn thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 127 tỷ đồng./.

Chuyên đề