Tình trạng ùn ứ tại cảng Cát Lái (TP.HCM) ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển của cả khu vực miền Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Cửa ngõ phía Đông (bao gồm khu vực Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi… của TP. Thủ Đức) là khu vực đang được TP.HCM triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm. Đơn cử như mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 8 làn xe; hoàn chỉnh nút giao thông Mỹ Thủy; mở rộng đường Võ Chí Công; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30 m; xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2…
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các công trình trên nhằm góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại khu vực cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, ảnh hưởng đến tình hình giao thông đến các đường nhánh lên, xuống cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các nhánh nút giao An Phú, vòng xoay Mỹ Thủy, cụm cảng Trường Thọ, đường song hành Hà Nội, xa lộ Hà Nội…
Riêng Dự án Đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2 được Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án từ năm 2016, phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017. Theo đó, Dự án có chiều dài 1,552 km với 4 làn xe, chia làm 2 đoạn, được quy hoạch vào hệ thống đường hiện hữu của các khu dân cư 152 ha, 66 ha phía Bắc cảng Cát Lái. Dự án có tổng mức đầu tư là 429 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Thành phố và doanh nghiệp đóng góp, thời gian thực hiện từ 2016 - 2019. Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông vận tải, tạo điều kiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực và kết nối giao thông nội bộ của các cụm đô thị đã được quy hoạch của TP. Thủ Đức.
Đến nay, Dự án đã trễ hẹn hơn 3 năm, khả năng huy động vốn cho Dự án rất thấp, sự tham gia của doanh nghiệp càng không khả thi.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án sẽ sử dụng nguồn thu phí cảng biển trong giai đoạn 2021 - 2025. Con số kinh phí dự kiến thu được từ nguồn này ước khoảng 14.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, tính toán này của TP.HCM chưa lường trước hết những tình huống bất khả kháng trong giai đoạn này. Đầu tiên là lộ trình thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM đã phải lùi đến 3 lần (từ tháng 7/2021 đến tháng 10/2021 và cuối cùng là ngày 1/4/2022 mới bắt đầu chính thức thu). Quan trọng hơn, Đề án thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM vấp phải phản ứng khá quyết liệt của các doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp, đây là động thái không phù hợp, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phục hồi, phát triển sau dịch. Do đó, TP.HCM đã phải sửa đổi mức thu phí hạ tầng cảng biển theo hướng miễn, giảm phí với một số đối tượng.
Không chỉ Dự án Đường kết nối Cảng Cát Lái và đường Vành đai 2 gặp khó khăn, nhiều dự án có nguồn vốn phụ thuộc vào việc thu phí hạ tầng cảng biển cũng đối mặt với tình trạng kéo dài, chậm trễ thực hiện.
“Cần nhanh chóng giải bài toán vốn, huy động tài chính từ doanh nghiệp tham gia thông qua các dự án PPP hấp dẫn nhằm tăng cường hạ tầng cho khu vực cảng Cát Lái. Bởi hiện nay, theo tính toán của Sở Giao thông vận tải, thời gian quay vòng xe trung bình tại khu vực cảng này chỉ hơn 1 vòng/ngày, thậm chí 2 ngày/vòng, quá thấp so với các cảng khác, kéo giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu các dự án như đường kết nối cảng Cát Lái và đường Vành đai 2 được triển khai, thời gian quay vòng xe sẽ tăng lên 3 - 4 vòng/ngày, doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An khẳng định.