TPHCM: Công nhân metro làm việc trong Covid-19

Dưới thời tiết oi bức, hàng trăm công nhân bịt khẩu trang tất bật thi công để giúp tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên kịp tiến độ.

Ngày 20/4, tại nhà ga trên cao, đoạn gần nhà ga Đại học Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức), các công nhân hối hả làm việc. Trên mặt sàn tuyến metro này, hai tuyến đường ray sắt cơ bản đã hoàn thành, chuẩn bị cho các đoàn tàu chạy thử trong quý 3 năm nay.

Trước khi vào công trường, tất cả công nhân, kỹ sư đều phải đo thân nhiệt, rửa tay, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

Ngay từ đầu Covid-19 bùng phát, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM đã khuyến cáo từng công nhân nâng cao ý thức phòng chống dịch, dán bảng tuyên truyền, bắt buộc đeo khẩu trang và ngồi cách xa nhau khi làm.

Những ngày này, thời tiết oi bức nên các công nhân phải bảo hộ kỹ càng.

Anh Bé Tư (quê Sóc Trăng) đội hai mũ, đeo kính đen, bao tay và quấn khăn kín mít mặt để tránh nắng. Mới làm việc được hơn hai tháng, anh Tư phụ trách vệ sinh, đóng cốp pha tuyến đường ray. "Trước tôi làm phụ hồ theo công trình nên bấp bênh, nay đây mai đó. Giờ làm ở đây thì có việc đều, dịch nhưng cũng không thất nghiệp. Lương tháng cố tiết kiệm có thể xoay xở nuôi cha, chăm vợ và trả tiền nhà trọ", người đàn ông 30 tuổi nói.

Để tránh tia cực tím, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (56 tuổi) mang khẩu trang kín che, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, bao tay... dọn dẹp vệ sinh trên công trường. "Chồng tôi cũng làm ở đây, còn con trai lớn đi làm công nhân. Ba năm ở đây thu nhập ổn định hơn chỗ khác vì cuối năm đều có tăng lương", bà Tú cho biết.
Trong mùa nắng nóng, mỗi nhóm công nhân đều mang theo bình nước uống.

Giữa thời tiết 36 độ C, khuôn mặt anh Phan Văn Điền đẫm mồ hôi. "Lớp khẩu trang dầy cùng đồ kín mít làm tôi càng ngộp hơn nhưng ráng chịu, đang dịch mà", anh Điền nói.

Từ quê An Giang, vợ chồng anh Điền lên thành phố tìm kế sinh nhai, con cái để ông bà trông. Trước đó, anh đi phụ hồ còn vợ làm công nhân. Hai tháng nay, vợ anh phải nghỉ việc do dịch.

Anh cho biết, hơn một năm làm ở công trường, một ngày công của anh là 350.000 đồng, thấp hơn đi phụ hồ một ít nhưng công việc ổn định hơn.

Tại ga ngầm nhà hát TP HCM (quận 1), các công nhân thi công ở độ sâu khoảng 15 m so với mặt đất. Công trường vang tiếng máy móc thiết bị vận hành. Khu vực này có trang bị nhiều quạt thông gió nhưng không khí vẫn oi bức.

Tại đây có khoảng 400 công nhân thi công để hoàn thành tầng B1 vào cuối tháng 4 theo đúng tiến độ. Theo thiết kế tầng B1 sẽ có các hạng mục như sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh…

Các kỹ sư, công nhân kiểm tra tiến độ đoạn hầm thi công bằng công nghệ khiên đào, gồm hai ống hầm dài 2,6 km đã cơ bản hoàn thiện kết cấu và kết nối với nhà ga ngầm cùng đoạn chạy trên cao.
Chị Lê Thị Hằng (30 tuổi, quê Thanh Hóa) phụ trách công việc khuân vác, dọn dẹp vệ sinh ga ngầm. "Trước đó tôi cũng làm ở công trình metro nhưng ở nhà ga trên cao. Tôi vào Sài Gòn một mình, cố gắng làm để khi về quê còn có chút vốn", chị Hằng tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Sương (32 tuổi, quê An Giang) cùng chồng thi công ở ga ngầm được nửa năm nay, phụ trách dọn dẹp, làm ống gió và điện lạnh. Con cái họ để ở quê nhờ ông bà trông. "Mấy năm nay vợ chồng tôi đi làm nhiều công trình, chỉ dịp Tết mới về quê thăm con cái", chị Sương nói.

Các công nhân có một tiếng rưỡi để nghỉ trưa, ăn cơm. Ban quản lý nhắc nhở mọi người hạn chế tụ tập, ngồi cách xa nhau trong giờ nghỉ.

Bữa trưa của gia đình anh Nguyễn Thanh Tuyền (quê Đồng Tháp) chỉ là mấy con cá khô mà người vợ đã dậy từ 5h để nấu mang theo. Cả nhà ba người làm ở công trình metro hơn một năm nay. "Ngày nào vợ tôi cũng nấu ăn sáng rồi chuẩn bị đồ bữa trưa mang theo, chỉ gói gọn trong 100.000 đồng. Ở nhà trọ còn hai đứa con nữa đang đi học nên ba người làm cũng không dư dả được mấy", người đàn ông 41 tuổi chia sẻ.

Tuyến Metro số 1 dài gần 20 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Tuyến có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình và kết thúc ở Bến Thành.

Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 85% khối lượng dự án Metro số 1 trong năm nay để khai thác cuối năm 2021. Hiện, dự án đã hoàn thành 72%.

Chuyên đề