Buổi họp báo của UBND TP HCM diễn ra lúc 16h tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 2, song trước đó hai tiếng nhiều hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (quận 2) đã có mặt. Họ yêu cầu lực lượng chức năng được vào nghe các thông tin UBND TP HCM sẽ cung cấp vì "liên quan trực tiếp đến quyền lợi" của họ nhưng không được chấp thuận. Chiều ngày 15/8, thành phố sẽ gặp mặt các hộ dân bị ảnh hưởng để trao đổi về các vấn đề này.
Chủ trì họp báo là ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch phụ trách đô thị của UBND TP HCM cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan.
Phó chủ tịch UBND Võ Văn Hoan chủ trì cuộc họp.
Sau hai kết luận 1483 (ngày 4/9/2018) và 1037 (ngày 26/6) của Thanh tra Chính phủ (TTCP), hiện thành phố xác định được vị trí khu đất 4,3 ha thuộc một phần Khu phố 1 phường Bình An (nằm ngoài quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm)căn cứ trên các bản đồ mà TTCP đã nêu. Thành phố đã làm theo hướng mở rộng trọn ô, trọn thửa đất và phù hợp các điều kiện hiện trạng. Việc này cũng được Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn; xác định có 331 hộ dân bị ảnh hưởng.
Thành phố sẽ chốt phương án giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân sau khi nghe ý kiến của các hộ (hiện còn 26 hộ chưa tiếp xúc), trình HĐND thành phố (trong phiên họp bất thường gần nhất) thông qua, làm cơ sở để triển khai.
Nói thêm về phương án đền bù, ông Võ Văn Hoan cho biết, chính sách bồi thường "sẽ rất tốt" vì áp dụng một hệ số quy đổi có lợi cho người dân. "Quá trình làm rất phức tạp, bồi thường theo giá hôm nay chứ không phải giá của 5, 10 năm trước. Giá này được xác định dựa trên giá ở các dự án lận cận theo khung giá nhà nước; giá bán nền đất, nền nhà tái định cư cho người dân cũng được tính theo giá nhà nước. Theo phương án này người dân không thiệt thòi mà còn có lợi", ông Hoan nói.
Ông Từ Lương thông báo về ranh khu vực 4,3 ha.
Theo đó, tổ công tác xác định 13 vấn đề với 22 đầu việc. Trong đó có việc xác định chi phí lãi vay trong phương pháp thặng dư; sử dụng quỹ đất sạch để thực hiện thanh toán cho các dự án BT; xử lý việc xây dựng của Công ty cổ phần Đại Quang Minh; làm rõ và báo cáo Thủ tướng về khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước (26.000 tỷ đồng); kiến nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án BT; thu hồi về ngân sách khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay.
Ngoài ra, thành phố cũng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định; xử lý chuyển tiếp các dự án tái định cư không còn nhu cầu, chuyển sang dự án thương mại; kiểm tra, rà soát lại giá đất và nghĩa vụ tài chính của các dự án đã giao cho nhà đầu tư; rà soát việc thay đổi quy hoạch chi tiết tại các dự án đã và đang đầu tư xây dựng; tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền. Tất cả những việc này phải thành phố sẽ hoàn thành trước ngày 30/9.
Trả lời câu hỏi của các báo về 26.000 tỷ đồng tạm ứng ngân sách bị TTCP cho là sai phạm và buộc thu hồi, bà Trần Mai Phương (Phó giám đốc Sở Tài chính TP HCM) cho biết, số tiền này thành phố chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án KĐTM Thủ Thiêm. Muốn thu hồi lại, phải được quyết toán. Vì vậy, hôm 8/8, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng được tiếp tục thực hiện dự án này xong sẽ quyết toán.
Theo ông Hoan, số tiền này lúc đầu thành phố vay ngân hàng. Nhưng do dự án kéo dài, lãi suất mỗi ngày một cao nên thành phố tạm ứng ngân sách trả ngân hàng. Việc tạm ứng mà không tất toán hàng năm là vi phạm Luật Ngân sách. "Nếu Thủ tướng đồng ý với kiến nghị, cho kiểm toán, kiểm tra các khâu là thành phố đã chi cho bồi thường thì cơ bản là tất toán và hoàn trả được", ông Hoan nói.
Bà Trần Mai Phương.
Liên quan các khiếu nại của nhiều người dân cho rằng không chỉ có 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch mà có đến 5 khu phố, 3 phường đều ngoài ranh; ông Hoan nói rằng TTCP chỉ yêu cầu thành phố kiểm tra, giải quyết. "Thành phố đã yêu cầu UBND quận 2 hướng dẫn bà con làm đơn gửi chính quyền để làm cơ sở xem xét. Ngày mai tôi tiếp tục gặp để nghe ý kiến bà con, còn điều gì chưa tốt, chưa đúng để thành phố giải quyết", ông Hoan nói.
Đối với các cá nhân để xảy ra sai phạm ở KĐTM Thủ Thiêm (thuộc thẩm quyền TP HCM xử lý), hiện nhiều người đã về hưu hoặc chuyển nơi khác sống nên thành phố mất nhiều thời gian để kiểm điểm. Dự tính đến ngày 30/9 sẽ có kết quả. Còn với các cán bộ cấp cao thuộc thẩm quyền Trung ương quản lý, các cơ quan này cũng đang xem xét.
Về việc TP HCM bị TTCP cho là sai phạm, nguy cơ gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, do duyệt giá đất 26 triệu đồng/m2 (giảm 50% so với giá các sở ngành đề xuất trước đó); quỹ đất thương phẩm 221 ha chủ yếu thanh toán đối ứng cho các dự án BT (chỉ định nhà đầu tư) không qua đấu giá, làm lợi cho các nhà đầu tư; ông Hoan cho biết, năm 2011 thành phố tính giá đất 45-50 triệu đồng/m2 nhưng suốt thời gian dài không có nhà đầu tư. Vì vậy, thường trực UBND thành phố thời kỳ đó tính toán lại chi phí bình quân theo cách loại các dự án công trình đầu tư công như trường học, công viên; cầu, đường, hầm kết nối Thủ Thiêm với bên ngoài...
"Đây là những dự án mà nếu không có KĐTM Thủ Thiêm thì thành phố vẫn phải làm. Quan điểm của thành phố lúc đó là làm sao để có chi phí đầu tư bình quân thấp nhằm dễ kêu gọi nhà đầu tư", ông Hoan nói. Thành phố, TTCP và Bộ Tài chính đang xem xét tính lại - là cơ sở để yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp hưởng lợi từ KĐTM Thủ Thiêm phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách.
Cuối buổi họp báo, ông Hoan một lần nữa nói rằng TP HCM "xin nghiêm túc chấp hành" kết luận và yêu cầu của TTCP. Hai bản kết luận của TTCP là căn cứ pháp lý cao nhất để thành phố giải quyết cho người dân.
Về dự án BT 4 tuyến đường trong KĐTM Thủ Thiêm với số tiền duyệt không đúng quy định 1.500 tỷ đồng, UBND thành phố thừa nhận sai sót khi vận dụng các cơ chế có lợi cho doanh nghiệp hơn là cho thành phố. Theo nguyên tắc, khi nhà đầu tư làm xong mới thanh toán BT nhưng thành phố lại đổi đất luôn khi ký hợp đồng. UBND thành phố sẽ gửi văn bản cho doanh nghiệp về việc thu hồi khoản tiền theo kết luận của TTCP.
Đối với yêu cầu thu hồi về ngân sách 1.800 tỷ đồng và lãi suất chậm nộp từ Công ty Đại Quang Minh, ông Hoan nói đây là tiền thành phố tạm ứng cho Đại Quang Minh để làm quảng trường. Thành phố giao nhiệm vụ thêm cho doanh nghiệp nhưng họ chưa làm, sẽ phải trả về ngân sách.
"Kết luận thanh tra cho đó là việc làm sai và chúng tôi thấy sai thật. Lẽ ra phải lấy tiền đó về, doanh nghiệp có làm nữa hay không là việc khác. Công ty Đại Quang Minh đồng ý nộp lại số tiền trên cùng lãi suất phát sinh", ông Hoan nói.
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Để khắc phục, TTCP yêu cầu TP HCM thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng cho ngân sách và phải có giải pháp huy động vốn để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm hơn 4.200 tỷ đồng; thu hồi về ngân sách khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800 tỷ đồng và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay. Những việc này phải hoàn thành trước ngày 30/9 để báo cáo Thủ tướng.
Ngoài ra, TTCP đề nghị UBND TP HCM xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với những người thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý sẽ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét.
Tuy nhiên, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thủ Thiêm vẫn chưa đồng tình vì cho rằng các kết luận của TTCP chưa chỉ rõ các cá nhân sai phạm và chưa làm rõ được những khiếu nại của họ.
KĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996, rộng 930 ha. Đây là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp... được mở rộng của thành phố, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 và chỉ cách 300 m đường chim bay.