Tổng giám đốc Vungtauship bất ngờ bị kiến nghị thay thế, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
HĐQT Công ty CP Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu (Vungtauship) vừa có kiến nghị thay Tổng giám đốc công ty này. Vì sao có đề nghị thay đổi nhân sự bất ngờ như vậy?
Cảng quốc tế Thị Vải- cảng nước sâu rất quan trọng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Cảng quốc tế Thị Vải- cảng nước sâu rất quan trọng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Công văn do ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vungtauship ký gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) và Sở Nội vụ tỉnh này cũng không nêu nguyên nhân vì sao có kiến nghị như trên nhưng cũng có nêu rõ, trước đó, trong cuộc họp của HĐQT công ty và cuộc họp với lãnh đạo tỉnh BR-VT, một số thành viên HĐQT công ty cũng đã có kiến nghị như trên.

Gần đây nhất, ngày 24/5/2020, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn số 4050/VPCP-VI thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh BR-VT chỉ đạo kiểm tra, xem xét các nội dung phản ánh về một số tiêu cực ở Công ty Vungtauship để xử lý đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 30/8/2020.

Đây là những thông tin rất đáng chú ý về Vungtauship- một trong những công ty nhà nước khá mạnh trước đây. Công ty này là một trong 3 đối tác trong công ty liên doanh đầu tư, khai thác cảng quốc tế Thị Vải của tỉnh BR-VT. Đây là một cảng nước sâu có vị trí rất thuận lợi cho kinh doanh, đầu tư dịch vụ cảng biển. Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng,Vungtauship có lợi thế rất lớn để có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Theo báo cáo của Vungtauship, năm 1996, công ty này góp vốn vào công ty Liên doanh cảng quốc tế Thị Vải, và được cấp phép đầu tư năm 1997, với vốn góp 4,6 triệu ha bằng quyền sử dụng 41 ha đất và mặt nước trong 30 năm, chiếm 25,6% vốn điều lệ. 2 đối tác khác gồm Tổng công ty Thép VN và Công ty Thép Kyoei của Nhật Bản.

Tuy nhiên, dự án không được các bên thực hiện cho đến năm 2011, phía Nhật quay lại góp vốn tiếp, và Vungtauship đồng ý giữ nguyên giá trị đất được tính theo thời giá của 15 năm trước đó vào liên doanh và tiếp tục đồng ý giữ 25,6% vốn góp trong liên doanh, mà không tính giá trị đất tại thời điểm 2011.

Cũng theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại DN này, từ năm 2017, khi liên doanh thua lỗ, Vungtauship đã góp thêm số tiền mặt là 3,4 triệu USD. Khi góp thêm số vốn trên, Vungtauship đã xin ý kiến của UBND tỉnh và được đồng ý về nguyên tắc cho tăng vốn, nhưng được tỉnh BR-VT yêu cầu phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế, phải lập phương án đầu tư, hiệu quả đầu tư, lộ trình thực hiện

Cho đến năm 2018, liên doanh cảng quốc tế Thị Vải đi vào hoạt động. Theo báo cáo tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2019, liên doanh này đã có lãi ngay. Nhưng bất ngờ, đến cuối năm, Vungtauship lại bán toàn bộ phần vốn góp 25,6% của liên doanh. Số tiền thu về là 188 tỷ đồng.

Như vậy, sau 24 năm với việc góp 41 ha mặt đất, mặt nước, góp thêm 3,4 triệu USD, Vũng Tàu ship thu về được 107 tỷ đồng và mất luôn quyền sử dụng đất, các quyền lợi của liên doanh đang làm ăn có lãi.

Đáng chú ý, khi xin thoái vốn, Vungtauship xin tỉnh chủ trương thoái vốn do dự kiến năm 2018 và 2019 sẽ lỗ và tỉnh đồng ý chủ trương thoái vốn nếu việc kinh doanh các năm này lỗ. Tuy nhiên, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy liên doanh này có lãi, thì Vungtauship lại không báo cáo với tỉnh để tỉnh xem xét quyết định việc cho chuyển nhượng.

Đây là một vụ chuyển nhượng rất khó hiểu vì Vungtauship chỉ thu về được 107 tỷ đồng cho 41 ha đất cùng các giá trị mang lại của liên doanh trong khi liên doanh đó lại kinh doanh hiệu quả và có lãi từ sớm. Nhất là lại đề xuất chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp không đúng với chỉ đạo của UBND tỉnh BR-VT.

Chính vì thế, nhiều cổ đông và thành viên HĐQT công ty này đặt câu hỏi câu hỏi về trách nhiệm cá nhân của Tổng giám đốc công ty Nguyễn Khắc Du, trong việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Và HĐQT Công ty Vungtauship mới có công văn kiến nghị thay đổi chức vụ tổng giám đốc doanh nghiệp này như đã nêu trên.

Chuyên đề