Tổng giám đốc IMF sắp trở thành Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu

Bà Christine Lagarde sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành chính sách tiền tệ của khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone...
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF - Ảnh: Getty/CNBC.
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF - Ảnh: Getty/CNBC.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde sắp rời cương vị này để đảm nhiệm chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành chính sách tiền tệ của khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone.

Theo tin từ Bloomberg, bà Lagarde đã được đề cử thay thế ông Mario Draghi trên cương vị Chủ tịch ECB khi ông Draghi kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 8 năm vào ngày 31/10. Quyết định đề cử bà Lagarde - 63 tuổi, người từng làm luật sư và từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp - được đưa ra sau một cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ ở Brussels.

Trong cuộc họp này, giới chức EU đã bàn thảo việc đề cử nhân sự cho nhiều vị trí cấp cao của khối, trong đó có việc trao cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen.

Trong một tuyên bố, bà Lagarde cho biết bà "vinh dự được đề cử" cho ghế Chủ tịch ECB và sẽ tạm thời ngừng các nhiệm vụ tại IMF trong khi chờ các nghị sỹ EU phê chuẩn việc đề cử bà.

"Bà Lagarde được chọn vì bà ấy có uy tín lãnh đạo không thể tranh cãi tại IMF. Tôi cho rằng ai làm được như bà ấy ở IMF cũng đều có thể lãnh đạo ECB", Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu. Tổng thống Emmanuel Macron thì nói "bà Lagarde có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo ECB. Bà ấy cũng được thị trường tín nhiệm".

Bà Lagarde sẽ trở thành người đứng đầu ECB trong bối cảnh nền kinh tế 19 nước thành viên Eurozone cần có thểm sự hỗ trợ từ ngân hàng trung ương này, dưới dạng hạ lãi suất hoặc nới lỏng định lượng (QE). Lạm phát tại Eurozone hiện chỉ bằng khoảng một nửa mục tiêu 2% mà ECB đề ra, dù khu vực đã trải qua nhiều năm lãi suất âm và ECB bơm 2,6 nghìn tỷ Euro, tương đương 3 nghìn tỷ USD, để mua vào tài sản.

Giới đầu tư kỳ vọng rằng, là một "chiến binh" giàu kinh nghiệm trong việc chống khủng hoảng, bà Lagarde sẽ chia sẻ chủ trương của ông Draghi về chính sách tiền tệ quyết liệt và sáng tạo để vực dậy tăng trưởng. Thị trường tài chính hiện đang đặt cược khả năng ECB hạ lãi suất trong tháng 9.

Bà Lagarde sẽ là người Pháp thứ hai trở thành chủ tịch ECB, ngân hàng trung ương với lịch sử 2 thập kỷ. Ông Draghi, một người Italy, là người kế nhiệm ông Jean-Claude Trichet, một người Pháp. Chủ tịch ECB đầu tiên là ông Wim Duisdenberg, một người Đức.

Một khi bà Lagarde được Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn cho ghế Chủ tịch ECB, thì cả ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đều được lãnh đạo bởi các cựu luật sư. Đây là một sự dịch chuyển lớn từ kỷ nguyên mà các ngân hàng trung ương lớn đều được đứng đầu bởi các nhà kinh tế học như ông Ben Bernanke, cựu Chủ tịch FED. Cả ba Chủ tịch ECB đầu tiên đều có bằng cấp kinh tế và có kinh nghiệm lãnh đạo ngân hàng trung ương quốc gia.

Điều này có thể sẽ khiến bà Lagarde bị chỉ trích là thiếu kinh nghiệm về chính sách tiền tệ, theo đó có thể gia tăng ảnh hưởng tại ECB của ông Philip Lane, chuyên gia kinh tế trưởng mới của ngân hàng trung ương này.

Nhưng đổi lại, bà Lagarde có năng lực chính trị cao, một yếu tố cần thiết để tập hợp sự ủng hộ của các quan chức ECB trong việc thiết lập chính sách, nhất là khi ECB không có nhiều dư địa để hạ lãi suất và cần dựa vào các chính phủ để tăng cường hỗ trợ nền kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Donald Tusk bác bỏ những lo ngại về việc bà Lagarde thiếu bằng cấp kinh tế. Ông khẳng định bà sẽ là một vị Chủ tịch ECB hoàn hảo.

Chuyên đề