Ảnh Internet |
Theo Bloomberg, lợi nhuận của H&M đã giảm 62% xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ do không giải phóng được lượng hàng tồn kho. Cổ phiếu của hãng cũng sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.
“Tín hiệu đáng lo ngại một lần nữa lại đến từ lượng hàng tồn kho ngày càng lớn”, Chris Chaviaras – chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết.
Triển vọng kinh doanh u ám đã được H&M dự báo hồi đầu năm nay. Sau đó, thời tiết ấm áp một cách bất thường tại châu Âu vào tháng 1, rồi lạnh sâu trở lại vào tháng 2 đã khiến tình hình kinh doanh của hãng trở nên tồi tệ hơn. Điều đó buộc công ty phải giảm giá nhiều hơn.
CEO H&M Karl-Johan Persson cho biết công ty đã mắc sai lầm khi cắt giảm chủng loại vào năm ngoái, tuy nhiên ông vẫn hy vọng doanh thu sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, H&M sẽ nỗ lực giảm lượng hàng tồn kho xuống còn 12-14% doanh thu trong năm 2019.
“Chúng tôi đã không thể cải thiện tình hình nhanh chóng”, tỷ phú 43 tuổi cho biết. “Chúng tôi đang cố gắng để khắc phục điều đó.”
H&M đang mở một thương hiệu mới với tên gọi là Afound để bán quần áo từ nhiều nhãn hiệu khác của hãng với mức giá rẻ và mở thêm 3 trung tâm hậu cần tự động trong năm nay để tăng tốc độ giao hàng.
H&M cho biết hãng đang duy trì mục tiêu tăng trưởng doanh thu ít nhất 25% đối với mảng bán hàng trực tuyến và mảng kinh doanh mới trong năm nay, dù không đạt được mục tiêu trong quý 1 - doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 20% và doanh thu từ mảng kinh doanh khác mới chỉ tăng 15%.
Theo ông Persson, H&M có thể thực hiện bán hàng trực tuyến trên tất cả các thị trường của hãng vào năm 2020. Trong tháng này, hãng đã bắt đầu bán online tại Ấn Đố và mở cửa hiệu trực tuyến H&M trên nền tảng Tmall của Alibaba.