Sân bay cửa ngõ quốc gia phát triển vươn lên tầm sân bay trung chuyển quốc tế sẽ đem lại tác động lan tỏa, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Đầu tư đúng có thể mang lại “một vốn bốn lời”
Định vị giá trị của các sân bay, tại Hội thảo Phát triển bền vững sân bay cửa ngõ quốc gia vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Akitake Fujita, Giám đốc mảng Vận tải khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản của Arthur D. Little cho biết, giá trị của sân bay đã có sự thay đổi qua các năm. Trong tương lai, cách nhìn nhận sẽ có sự thay đổi rõ rệt khi sân bay dần trở thành trung tâm mua sắm.
“Sân bay giống như “két tiền khổng lồ” khi doanh thu từ các dịch vụ phi hàng không tăng đáng kể, chiếm trên dưới 50% tổng doanh thu của một sân bay. Song đặc biệt hơn, lợi nhuận đem lại từ các dịch vụ phi hàng không lại chiếm tới 83%”, ông Akitake Fujita chỉ ra và cho rằng, khi đó, sân bay không đơn thuần chỉ là trung tâm vận chuyển hành khách, nó đã trở thành sân bay cửa ngõ trung chuyển quốc tế, đem lại những giá trị to lớn về kinh tế - xã hội.
Đồng tình với phân tích này, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng, một đất nước có sân bay cửa ngõ quốc gia phát triển vươn lên tầm sân bay trung chuyển quốc tế thì sân bay đó sẽ đem lại tác động lan tỏa, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội to lớn cho đất nước đó. “Khi đó, các khoản đầu tư ban đầu của nhà nước vào sân bay không những được thu hồi, mà còn mang lại lợi nhuận “một vốn bốn lời” cho đất nước”, ông Đông nhấn mạnh.
Công ty hóa quản lý phát triển thương mại sân bay
Theo đại diện Aerotropolis Business Concept LLC, nhiều sân bay giờ đây hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp, nhưng công ty hóa chứ không phải tư nhân hóa. Sân bay được vận hành theo mô hình công ty mà nhà nước sở hữu, doanh nghiệp tư nhân vận hành. Nhờ đó, họ linh hoạt hơn trong các hoạt động đầu tư và vận hành, kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường và khách hàng, tăng cao hiệu quả hoạt động.
Theo đó, cơ cấu quản lý cũng như hoạt động của sân bay cũng có sự thay đổi. Nhiều sân bay đã thành lập các bộ phận thương mại và bất động sản để phát triển các khu vực phụ cận và ngoài sân bay để đáp ứng yêu cầu mới. Điển hình như Tập đoàn Sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) đang thành lập nhiều liên doanh với khu vực tư nhân để phát triển đô thị sân bay, bao gồm khách sạn, tòa nhà văn phòng, khu hậu cần, mua sắm, giải trí và du lịch cũng như dịch vụ nhà ở. Hay Công ty CP Hàng không DACC đã được thành lập để phát triển và quản lý khu phức hợp với giá trị 34 tỷ USD gồm 6 khu thương mại với trung tâm là sân bay ở vị trí phía Nam TP. Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Còn tại Ấn Độ, hiện cơ quan hàng không Ấn Độ đã giao cho các tập đoàn lớn của khu vực kinh tế tư nhân vận hành, mở rộng Sân bay quốc tế Delhi và Sân bay quốc tế Mumbai cũng như xây dựng và quản lý Sân bay quốc tế New Hyderabad và New Bangdalore...
Với mô hình này, TS. Trịnh Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam nhận định, việc hình thành các sân bay như những tổ hợp kinh tế với nhiều thành phần kinh tế tham gia sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các sân bay.
Tại Việt Nam, quan điểm của Chính phủ về xã hội hóa phát triển sân bay là rất đúng xu hướng. Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta còn một số rào cản như: Thể chế chính sách đôi khi chưa theo kịp với thay đổi của cuộc sống, các hướng dẫn chưa cụ thể… “Vì thế, tất cả những vấn đề này cần được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật cụ thể để người dân, doanh nghiệp ủng hộ và tham gia đầu tư phát triển các sân bay, trong đó có Sân bay Long Thành tới đây”, ông Châu nói.