Từ 8h00 đến 15h00 các đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng); Bùi Thu Hằng (Hòa Bình); Vũ Thị Thủy (Hải Dương); Trần Hoàng Ngân (TPHCM); Trương Anh Tuấn (Nam Định); Trần Đình Gia (Hà Tĩnh); Phan Viết Lượng (Bình Phước); Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội); Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An); Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu); Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị); Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng); Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận); Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp); Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM); Dương Trung Quốc (Đồng Nai)... chất vấn: Giải pháp kéo giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; giải pháp quản lý nhằm bảo đảm an toàn, cơ cấu lại, giảm bớt áp lực nợ công, đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển; giải pháp quản lý hóa đơn thuế, chống thất thoát nguồn thu của nhà nước; giải pháp ngăn chặn tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp; triển khai công tác cải cách hành chính tại bộ; giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; giải pháp đảm bảo thu chi ngân sách; đề nghị giải trình về các đề xuất tăng thuế; giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài; trách nhiệm của bộ trước tình trạng công chức hải quan sai phạm phải ra hầu tòa; chống thất thu thuế trong kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, giải pháp đột phá về chống nợ đọng thuế, chống tiêu cực trong ngành thuế; xử lý bất cập trong thu thuế tài nguyên (đá hoa trắng); giải pháp đột phá ngăn chặn tình trạng thanh toán khống, rút ruột ngân sách; giải pháp ngăn chặn cán bộ thuế tiêu cực thông đồng với người nộp thuế, gây thất thu ngân sách; bố trí ngân sách cho công nghệ thông tin; phân bổ ngân sách Trung ương, địa phương;...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý thu chi ngân sách, quản lý bảo đảm an toàn nợ công, bảo đảm vốn cho đầu tư phát triển...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện nay nợ công ở mức 62,6% dưới mức trần cho phép của Quốc hội (65%), trong đó, nợ của Chính phủ đang là 51,8%, tỷ lệ chi trả nợ vay/GDP là 25%.
Nhận thức được tầm quan trọng của nợ công, Đại hội Đảng lần thứ XII đánh giá nợ công tăng cao, nghĩa vụ trả nợ lớn và cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước gắn với bảo đảm an toàn nợ công là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016- 2020.
Trong giai đoạn này, Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp và kinh tế thế giới còn khó khăn nên xử lý nợ công là vấn đề nan giải.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn.
“Nhiều thành viên của Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng cho biết.
Để bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với quản lý an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 07 về vấn đề này. Chính phủ cũng trình Quốc hội kế hoạch về đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính công trung hạn. Trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 51 về Chương trình hành động thực hiện chủ trương với giải pháp đặt trong đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo thêm một số giải pháp Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới như: Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính với chính sách tiền tệ; cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện chính sách thu, tăng cường chống thất thu thuế, chống chuyển giá, chống xói mòn cơ sở thuế, điều chỉnh một số khoản thu nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu để đảm bảo nguồn thu hợp lý, lâu dài...
Giảm tối đa huy động từ doanh nghiệp
Về đề xuất điều chỉnh tăng một số loạt thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ, “ý kiến của ĐBQH Phan Viết Lượng về dư địa ngân sách còn lớn, chưa cần tăng thuế, đề nghị phát huy dư địa là rất đúng”. Thuế gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Kinh tế phải phục vụ cho kinh tế phát triển.
“Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, phục vụ kinh tế phát triển”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Đặc biệt, trong quản lý thuế phải mở rộng đối tượng, giảm tối đa huy động từ doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy, làm ăn. Trong quản lý thuế cũng phải chống gian lận, thất thoát thuế. Đây là dư địa và trong thời gian qua chúng ta đang khai thác.
Nợ công không xấu, đầu tư không hiệu quả là vô cùng xấu
Về hiệu quả đầu tư công, đồng tình với nhận định của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn rằng: “Nợ công không xấu, đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì chúng ta phải trả nợ kép (tiền gốc và tiền lãi), bên cạnh đó phải trả bù lỗ doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh, hiệu quả đầu tư công là vấn đề rất trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu hiệu quả đầu tư công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tài chính đang triển khai các nhiệm vụ, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua đã cơ cấu nợ công theo hướng tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài. Năm 2011 vay nước ngoài là 60%, vay trong nước là 40%, thì nay vay trong nước là 60%, vay nước ngoài 39%. Vay trong nước có kỳ hạn cao 2 lần, lãi suất giảm một nửa, danh mục trái phiếu tăng 6,7%/năm. Vay trong nước góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Sẽ chuyển biến căn bản trong thông quan hàng hóa
Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành, bộ đã xây dựng đề án từ năm 2014 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó giao trách nhiệm cho 13 bộ ngành phải cải cách hành chính; đến nay các bộ ngành đổi mới sửa đổi 200 danh mục với hàng trăm ngàn mặt hàng;...
Bộ trưởng nhấn mạnh việc kiểm tra chuyên ngành có 28% thuộc trách nhiệm của hải quan còn 72% thuộc trách nhiệm của các bộ ngành;... Tuy nhiên còn một số mặt hàng thuộc sự quản lý của nhiều bộ cần tập trung rà soát, chỉnh sửa,... Ví dụ, sữa chua, sữa bột khi nhập khẩu phải có 2 giấy phép của Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT;...
Bên cạnh đó, bộ đã phối hợp với các bộ ngành liên quan thành lập tổ kiểm tra chuyên ngành tập trung ở 10 địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, nâng cao hiệu quả kiểm định hải quan để thông quan nhanh; cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác kiểm tra chuyên ngành; rà soát các mặt hàng đang chịu nhiều đầu mối kiểm tra để đơn giản hóa, chuyển mạnh sang quản lý rủi ro, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm; triển khai cơ chế 1 cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan, kết nối đồng bộ với các bộ ngành;... Bộ trưởng khẳng định, trong 6 tháng đầu 2018 sẽ tạo chuyển biến căn bản trong thông quan hàng hóa.
Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) chất vấn về quản lý hóa đơn thuế.
Quản lý chặt nợ công; đẩy mạnh chống chuyển giá
Về quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã tổng kết, đánh giá, báo cáo các cấp có thẩm quyền nhằm bảo đảm nợ công bền vững, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về vấn đề này. Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt nợ công như: Rà soát, hoàn thiện thể chế; quản lý chặt trần nợ công; quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ODA; xác định rõ mức bội chi ngân sách hằng năm; siết chặt bảo lãnh chính phủ; kiên quyết bám sát Nghị quyết 5 năm của Quốc hội trong chỉ đạo điều hành; bố trí cân đối nguồn bảo đảm trả nợ đúng hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát;...
Về quản lý hóa đơn thuế, Bộ trưởng thừa nhận thói quen người mua hàng hiện nay là ít lấy hóa đơn, trả bằng tiền mặt... Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, sẽ đẩy mạnh tuyên tuyền để hình thành thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng trong xã hội. Nếu có thể làm mạnh hơn thì nên bắt buộc trong thời điểm thành lập doanh nghiệp sẽ phải đăng ký mã số thuế, mẫu hóa đơn. “Trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong trao đổi hàng hóa, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra với những giao dịch đáng ngờ”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết thời gian qua Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan gắn với hiện đại hóa và đổi mới phương thức quản lý; giải pháp quản lý chặt chẽ nợ công mà vẫn bảo đảm huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Về vấn đề chống chuyển giá, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đây là vấn đề bức xúc của xã hội và cử tri. Về khung khổ pháp lý, từ 1995 Bộ đã có văn bản hướng dẫn về kiểm soát triển giá, gần đây Bộ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này (năm qua đã ban hành Nghị định, Thông tư); đồng thời Bộ cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có sản xuất liên kết, trong năm 2016 kiểm tra hơn 1000 doanh nghiệp, truy thu cả ngàn tỷ đồng; năm nay bộ cũng tiến hành hơn 1000 cuộc thanh tra, kiểm tra, truy thu, truy hoàn thuế hơn 3000 tỷ đồng...
Đã khắc phục được tình trạng quyết định đầu tư tùy tiện
Giải trình làm rõ thêm về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trước đây, do chưa có Luật Đầu tư công, nên việc quyết định đầu tư còn đang tùy tiện và vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả ở trung ương và địa phương.
Trong mỗi giai đoạn 2005 - 2010, 2011 - 2015, “chúng ta có hơn 20 nghìn dự án, cả lớn lẫn bé, cả của bộ, ngành, địa phương quyết định đầu tư, không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được, cho nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, phải dừng, giãn, hoãn rất lớn”.
Khi đó, Chính phủ đã ban hành nghị định 1792, và chúng ta luật hóa lên thành Luật đầu tư công. Đến nay, trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, bám sát khả năng cân đối của ngân sách. “Đây là một hạn chế chúng ta đã khắc phục được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Với nợ đọng của các giai đoạn trước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã tập trung ở giai đoạn 2016 - 2020 để “xem xét, giải quyết dứt điểm”.
Tuy nhiên, với một số dự án có mức vượt lên nhiều so với tính toán và nhu cầu thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “chúng ta chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề này”. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan để xây dựng định mức để tính toán, làm cơ sở xây dựng dự toán và phê duyệt tổng mức đầu tư.
Về hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là “việc triển khai đầu tư đang phải thực hiện nhiều thủ tục, như giải phóng mặt bằng, đấu thầu… làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên không có nguồn để bố trí vốn, dẫn đến phải dừng, giãn, hoãn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công để thực hiện trong thời gian tới, đồng thời Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát lại bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công, trình Chính phủ, Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ đầu tư công, giải quyết thủ tục thuân lợi, nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công, trong đó có cả Nghị định 136.
Với vấn đề nợ công liên quan đến vay nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vừa qua Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn… Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng báo cáo thêm với Quốc hội, các dự án ODA vay nước ngoài, hiện nước ta đang chuyển sang giai đoạn nước có thu nhập trung bình, nên các nước đã giảm vốn ODA và ưu đãi, chuyển sang vay thương mại, tức là có lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn.
“Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để giải quyết các vấn đề cho các dự án dự án sử dụng vốn ưu đãi vào năm 2017 - 2018. Sau năm 2018, chuyển sang vay thương mại, ưu đãi sẽ giảm đi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Khẳng định những hạn chế nêu trên không phải bất cập của Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Luật Đầu tư công hiện hành rất tiến bộ, đã khắc phục nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư công. Tuy nhiên, “trong thực thi đầu tư công có những vấn đề cần tổng hợp, rà soát lại, chứ không chỉ bất cập của Luật”.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh VGP/Nhật Bắc
100% kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ Ba đã được trả lời
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo với Quốc hội về kết quả giám sát của UBTVQH đối với việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XIV.
Qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ Ba, 63 Đoàn ĐBQH đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị (KN) có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các KN đã được UBTVQH chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, toàn bộ các KN đã được trả lời (đạt 100%).
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện cũng nêu rõ, công tác tổng hợp KN của cử tri gửi đến Kỳ họp còn hạn chế vì vậy có tới 1.695 KN được tập hợp (chiếm 74,2%) khi gửi tới các bộ ngành được trả lời bằng hình thức giải trình hoặc cung cấp thông tin về những vấn đề đã được pháp luật quy định, hoặc đã được trả lời tại những kỳ họp trước; công tác giám sát việc ban hành văn bản chưa được thường xuyên, có văn bản nội dung chưa phù hợp với Hiến pháp, chưa bảo đảm tính thống nhất của pháp luật nhưng chưa được phát hiện để KN sửa đổi, bổ sung.
352/570 kiến nghị chưa rõ lộ trình giải quyết
Đối với Chính phủ, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, còn 570 KN của cử tri các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, TP Hà nội... chưa được giải quyết trong đó bộ còn nhiều KN chưa giải quyết nhất là Bộ Tài nguyên – Môi trường (80), Bộ Y tế (60);
Có 352/570 KN không nêu lộ trình và thời hạn giải quyết là chưa đúng quy định của pháp luật, nội dung các KN chưa được giải quyết thuộc các vấn đề như nạn chặt phá rừng; phân bón giả; tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; ô nhiễm môi trường; khai thác, quản lý tài nguyên, khoáng sản; rác thải ở nông thôn; ảnh hưởng biến đổi khí hậu lên vùng núi Tây Bắc; tai nạn giao thông tại khu vực đường tránh tàu; vấn đề tuyển sinh của khối các trường sư phạm; quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc chữa bệnh; xây dựng trụ sở quá to, gây lãng phí; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; chế độ của công chức xã, phường; quản lý kinh doanh trò chơi điện tử,... cử tri các tỉnh đang rất trông chờ Chính phủ có giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm các KN nêu trên.
Bên cạnh đó, một số KN đã được trả lời nhưng chưa rõ, không phù hợp thực tiễn nên cử tri lại tiếp tục KN. Việc giải quyết KN của cử tri phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập, cử tri nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Yên Bái, Long An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Nghệ An, Trà Vinh,… cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt đối với nhiều vụ tham nhũng lớn. Tuy nhiên, số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh, xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều; nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, hiện tượng người dân phải “lót tay” để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng, diễn biến phức tạp.
Cần đẩy mạnh công khai, minh bạch trong nhiều lĩnh vực
Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Ngãi kiến nghị cần công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức, bổ nhiệm cán bộ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư và thu phí các dự án BOT.
Tuy nhiên, công tác giải quyết KN về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong nhiều lĩnh vực còn rất hạn chế (vấn đề này cũng được Ủy ban Tư pháp cũng đã nêu tại báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng).
Thực tế cho thấy, quy định về thực hiện công khai, minh bạch được nêu trong nhiều văn bản như Luật: Đất đai, Đầu tư công, Ngân sách, Pháp lệnh thực hiện Dân chủ ở xã, phường, thị trấn... nhưng việc thực hiện còn hình thức, vi phạm còn nhiều nhất là minh bạch trong công tác cán bộ, tài chính, đầu tư thực hiện dự án, lập danh sách hộ nghèo, thu chi ngân sách cấp xã, kế hoạch sử dụng đất,... nhưng rất ít cơ quan bị nhắc nhở, xử lý.
Cũng theo Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải, các KN của cử tri phản ánh những bức xúc về hành vi, thái độ, đạo đức của một số cán bộ xã, phường làm công tác tiếp công dân cũng chưa được Chính phủ giải quyết hiệu quả, còn hiện tượng bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhưng không đủ trình độ, trách nhiệm như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại phường Văn Miếu (Hà Nội); vụ việc tại xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội); xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa); xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) khi công dân xin xác nhận lý lịch để đi học, đi làm; việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cũng chưa thường xuyên (tính đến năm 2017, có tới 45% công chức làm công tác tiếp công dân chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ).
Chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ cho CBCC
Trên cơ sở giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIV, Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị: Đối với Quốc hội, cần nâng cao chất lượng tổng hợp KN của cử tri, bảo đảm rõ ràng, không trùng lặp; quan tâm giám sát việc ban hành văn bản, đặc biệt là các văn bản về quy định việc thực hiện các thủ tục hành chính, văn bản liên quan đến quyền con người ban hành trước Hiến pháp năm 2013...
Trong hoạt động giám sát, cần tích cực sử dụng kết quả Kiểm toán Nhà nước để nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước quan tâm tới chương trình giám sát của Quốc hội, ý kiến cử tri và các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội quan tâm có nhận xét đánh giá về kết quả giải quyết KN của cử tri đối với từng Bộ trưởng, Trưởng ngành, làm căn cứ phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đối với Chính phủ, Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị, cần chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu, trong đó đặc biệt quan tâm, chỉ đạo: Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các bộ, ngành và chính quyền địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đảm bảo điều kiện người dân được thực hiện quyền giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức hằng ngày tiếp xúc với dân để giải quyết các thủ tục hành chính; tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn “lót tay”, “phong bì” để giải quyết công việc.
“Chấm điểm” các “Tư lệnh ngành”
Trưởng ban Dân nguyện cũng đề nghị Thủ tướng thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết, trả lời KN của cử tri theo Quyết định số 33, công khai cho cử tri và đại biểu Quốc hội được biết để làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.
Thủ tướng cũng cần chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản đang trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân (hoàn thành trước tháng 5/2018).
Cụ thể là, Bộ Tư pháp tổng kết việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đảm bảo phù hợp thực tiễn, tuân thủ Hiến pháp, trong đó đặc biệt là các quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực hiện còn đang có sự chồng chéo. Bộ NNPTNT chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành thông tư quy định danh mục tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức đang công tác tại Trung tâm khuyến nông, Ban quản lý rừng; Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành rà soát, xem xét KN của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 02.
Thẳng thắn, rõ trách nhiệm, lộ trình, hướng khắc phục
Đúng 8h00, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của UBTVQH và kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu về các nhóm vấn đề chất vấn, tại Kỳ họp này, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nhóm vấn đề để tiến hành chất vấn.
Một là, về công tác quản lý thuế, hải quan, tăng cường quản lý nợ công an toàn hiệu quả.
Hai là, về việc điều hành chính sách tiền tệ; giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Ba là, việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông.
Bốn là, việc nâng cao chất lượng công tác xét xử, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn trong quá trình diễn ra phiên họp khi cần thiết sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình báo cáo làm rõ thêm những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo thông lệ kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ dành toàn bộ buổi chiều ngày 18/11 để chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của Chính phủ.
Để hoạt động chất vấn đạt kết quả, hiệu quả, tăng tính đối thoại, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội nêu nội dung chất vấn ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào nội dung thuộc nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn, bảo đảm đúng thời gian quy định.
Các bộ trưởng, trưởng ngành khi trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn, trả lời thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm, lộ trình, hướng khắc phục trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết sau phiên chất vấn, Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết để ghi nhận các giải pháp, những vấn đề đã hứa của bộ trưởng, trưởng ngành để làm cơ sở cho Chính phủ, bộ, ngành triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội và nhân dân theo dõi giám sát.
Lãnh đạo Chính phủ cùng 4 "tư lệnh ngành" trả lời chất vấn
* Ngày 16/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo Chính phủ, 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Đầu giờ sáng, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Tiếp đó, các đại biểu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về các nội dung: Công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế, thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chuyển giá); công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan; đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
*Ngày 17/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình. Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Sáng 18/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng. Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Nội vụ, Tư pháp và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Sau các phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ có báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Cổng TTĐT Chính phủ tường thuật trực tiếp phiên họp này phục vụ cử tri và nhân dân theo dõi./.