Phối cảnh trụ sở HĐND - UBND sau khi được nâng cấp. Nguồn: Sở Quy hoạch - Kiến trúc. |
Ngày 16/4, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức triển lãm về phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP HCM. Ngoài việc trưng bày bản vẽ và sa bàn, triển lãm còn thu thập ý kiến người dân, chuyên gia để báo cáo trình UBND thành phố.
Khuôn viên công trình sẽ rộng hơn 18.000 m2, diện tích xây dựng hơn 14.000 m2, bốn mặt tiền là đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Đồng Khởi và Lý Tự Trọng.
Phương án thiết kế này do công ty Gensler (Mỹ) thực hiện. Đây là đơn vị đã thiết kế các công trình nổi tiếng như Temporary U.K. Parliament (tòa nhà Quốc hội Anh), trụ sở làm việc của Microsoft London (Anh), sân bay Quốc tế Incheon (Hàn Quốc)…
Hạ ngầm hai tầng tòa nhà 109 tuổi
Trụ sở mới của cơ quan hành chính TP HCM sẽ là toà nhà với 4 tầng hầm và 6 tầng nổi, bao gồm tất cả các phân khu chức năng: làm việc, tiếp dân, đón khách, thư viện, hội trường…
Trong đó, ý tưởng được đánh giá "rất táo bạo" là hạ 2 tầng làm việc xuống dưới mặt đất, đưa sân vườn và ánh sáng tự nhiên xuống dưới lòng đất để giảm chiều cao công trình xây mới, khai thác tốt hơn không gian ngầm.
Đặc biệt, tầng mái của công trình sẽ là sân vườn góp vào khoảng xanh của thành phố. Đây cũng là nơi hứng trữ nước mưa, dùng chăm sóc công viên trong toàn khu vực.
Mặt tiền toà nhà với những thanh lam chắn nắng và lấy sáng có thể điều chỉnh thay đổi góc nghiêng theo hướng nắng, nhằm tiết kiệm năng lượng. Các sảnh đón của khối UBND, HĐND được bố trí phía đường Pasteur, còn sảnh của các sở và tiếp dân được bố trí phía đường Lý Tự Trọng.
Tại tầng sân vườn sẽ có hội trường đa năng (800 chỗ) và phòng họp cho HĐND (khoảng 400 chỗ). Đây cũng là nơi đặt trung tâm điều hành thành phố thông minh, thư viện phục vụ công tác truy xuất dữ liệu dễ dàng.
Sảnh VIP của tòa nhà cũ vẫn được giữ nguyên - là nơi đón tiếp khách quý của thành phố. Phần còn lại sẽ là không gian triển lãm, trưng bày về lịch sử phát triển của tòa nhà UBND, đồng thời là nơi tổ chức sự kiện, đón người dân, du khách và học sinh vào tham quan.
Tăng tối đa tính năng tương tác người dân
Không gian làm việc từ tầng 3 đến tầng 6 được sắp xếp phù hợp với tần suất tiếp dân. Hai toà nhà cũ và mới được kết nối bằng khu sân vườn trung tâm (diện tích 4.000 m2). Đây là "lá phổi" cung cấp sự thông thoáng cho hai tầng làm việc dưới mặt đất và kết nối với không gian xanh của Công viên Chi Lăng, Công viên Bảo tàng lịch sử, cùng với trục đường hoa Nguyễn Huệ tạo thành điểm đến của người dân.
Mặt tiền trụ sở UBND TP HCM sẽ được lùi sâu để làm đường nội bộ rộng 6 m (hai làn ôtô), với vỉa hè đi bộ có mái che kết nối hai khu vực sảnh. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm việc và giúp giao thông quanh khu vực thông thoáng hơn.
"Đây là những ưu điểm lớn của trụ sở HĐND và UBND TP HCM mới, nhằm phát huy tối đa tính tương tác về mặt thiết kế công trình, phục vụ quyền lợi của người dân tốt hơn khi đến làm việc hay tham quan", đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết.
Triển lãm mở cửa tự do từ 8h ngày 16/4 tới 17h ngày 1/5 tại Trung tâm Trưng bày Triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành).
Là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng, trụ sở UBND TP HCM được xây từ năm 1898 đến 1909, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế.
Thời Pháp thuộc, tòa nhà có tên Hôtel de ville trong tiếng Pháp, hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng hòa gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn - nơi làm việc và hội họp của chính quyền. Từ sau năm 1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của UBND TP HCM.
Công trình được thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao - kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp. Giữa mặt tiền có trang trí đắp nổi hình ảnh người phụ nữ cường tráng tiêu biểu cho nước Pháp cùng đứa trẻ đang chế ngự thú dữ.
Sau này, hai lầu chuông ở hai bên, mang phong cách pha trộn hai văn hóa Ý và Pháp thời kỳ Phục Hưng, được xây thêm vào và trang trí bằng hai bức đắp nổi hai bên (tiêu biểu cho nước Pháp cầm gươm đi chinh phục thuộc địa). Phía trước công trình là bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn - nơi ban nhạc của Hải quân Pháp thường trình diễn cho công chúng xem trong những dịp lễ trang trọng.
Tháng 5/2016, chính quyền TP HCM kiến nghị Trung ương xếp hạng di tích quốc gia đối với công trình kiến trúc hơn 100 tuổi này.