Tổ quốc luôn trong tim

(BĐT) - “Đem chuông đi đánh xứ người”, thời gian qua, nhiều nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh, được thế giới ghi nhận. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài. Ảnh: Đức Trung
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài. Ảnh: Đức Trung

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang phát triển với tốc độ như vũ bão, những trí thức ấy lại nung nấu khát vọng đóng góp sức lực để đưa Việt Nam bắt kịp, đi cùng và vượt lên các quốc gia trên thế giới.

Gặp anh vào một ngày cuối năm tại Hội trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kỹ sư phầm mềm Phạm Kim Cương - một trong số 100 nhân tài thuộc Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - chia sẻ tâm sự về quyết định của riêng mình. Anh Cương cho biết: “Tôi không muốn ở Mỹ mãi mãi. 20 năm sống và làm việc ở thung lũng Silicon nhưng trong lòng luôn thôi thúc tôi trở về làm việc ở quê hương. Trở về để gắn bó hơn với gia đình, bạn bè. Hơn nữa, đất nước ta đang có cơ hội lớn để vươn lên trong cuộc CMCN 4.0. Những kiến thức tôi học được ở Mỹ có thể sẽ giúp được nhiều hơn cho quê hương trong cuộc cách mạng này”. Anh Cương chia sẻ chân thành, khi đã kiếm đủ tiền rồi thì mục đích tiếp theo là làm một điều gì đó hữu ích hơn cho đất nước. Khởi đầu cho những mong muốn, khát khao đó là trong nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn về khoa học công nghệ của Việt Nam gần đây, khi có cơ hội, Phạm Kim Cương luôn nỗ lực tham gia.

Cũng giống như Phạm Kim Cương, thời gian qua, TS. Nguyễn Duy Lân luôn nung nấu khát khao góp sức vào sự phát triển lĩnh vực an ninh mạng của Việt Nam. TS. Lân là cựu kỹ sư bảo mật của Microsoft, đồng sáng lập Công ty Veramine Inc USA. Đã tham gia nhiều hoạt động về an ninh mạng như đào tạo, phát hiện sự cố an ninh, TS. Lân chia sẻ: “Khoảng hơn 2 năm trước, tôi về Việt Nam với ý định dành thời gian với gia đình và quê hương mà vẫn làm việc cho Công ty Veramine bên Mỹ. Thế nhưng, khi trở về, tôi đã nhìn thấy những vấn đề rất lớn xung quanh câu chuyện bảo mật ở trong nước mà mình có thể góp phần giải quyết và cũng là cơ hội để phát triển lĩnh vực này. Thế nên, hiện tại ¾ thời gian hàng năm tôi sống và làm việc tại Việt Nam”. Theo TS. Lân, tiềm năng đất nước như một cái máy bay, nếu mình tạo được đường băng tốt thì máy bay sẽ bay cao và bay xa. “Mong rằng Chính phủ tạo được những nền tảng để kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt. Khi tạo được cơ hội, sự phát triển nhanh hơn rất nhiều, không chỉ một con số mà có thể là hai con số hàng năm”, TS. Lân kỳ vọng.

Chúng ta cần có một khung pháp lý đồng bộ cho môi trường khởi nghiệp sáng tạo, khai thác dữ liệu chung, kinh doanh công nghệ. Ban hành các cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút nhân tài, tạo mạng lưới nguồn nhân lực người Việt trên toàn thế giới, cùng chung tay cho các dự án quốc gia và khởi nghiệp…
Mượn hình ảnh đàn cá hồi ngược dòng trở về nguồn đẻ trứng, GS. Nghiêm Đức Long, Đại học Công nghệ Sydney (Australia) chia sẻ tâm tư, con cá hồi sinh ra ở hồ nước trong sạch đã vượt qua muôn vàn khó khăn để ra biển lớn, nhưng cuối cùng nó vẫn muốn ngược dòng trở về đẻ trứng ở nơi đã sinh ra. Chúng tôi cũng vậy, những người làm trong lĩnh vực khoa học công nghệ “mang chuông đi đánh xứ người” nay luôn khao khát muốn ngược dòng để về đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Theo GS. Nghiêm Đức Long, để tận dụng được thành tựu của cuộc CMCN 4.0, cần xây dựng hệ sinh thái 4.0 có trọng tâm, xây dựng văn hóa 4.0 để mọi người dân đều hiểu và đồng hành cùng Chính phủ, và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực. Giáo sư Nghiêm Đức Long khẳng định, các tài năng người Việt ở nước ngoài cam kết nếu được đầu tư xứng đáng sẽ tạo ra các thành quả công nghệ hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, đưa công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Không dấu khát vọng trở về luôn thường trực trong mình, TS. Nguyễn Văn Nhật, Tập đoàn Egis (Pháp) nhìn nhận, hiện tại khung pháp lý ở Việt Nam chưa phù hợp với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt cho CMCN 4.0. Vì vậy, chúng ta cần có một khung pháp lý đồng bộ cho môi trường khởi nghiệp sáng tạo, khai thác dữ liệu chung, kinh doanh công nghệ. Ban hành các cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút nhân tài, tạo mạng lưới nguồn nhân lực người Việt trên toàn thế giới, cùng chung tay cho các dự án quốc gia và khởi nghiệp…

Theo TS. Nhật, cuộc CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ và tác động đến nền công nghiệp và kinh tế trên thế giới. Một số nước phát triển đã ban hành các chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 của riêng mình. Điển hình như: Liên minh Internet công nghiệp ở Mỹ, Chiến lược Industry 4.0 ở Đức, Made in China 2025 ở Trung Quốc... CMCN 4.0 dự đoán sẽ thay đổi thế giới thực sang thế giới số trên tất cả các lĩnh vực. Hiện tại thì sức nóng của nó đã lan tới các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng dự đoán không phải tuyến tính mà là cấp số mũ, CMCN 4.0 sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên cơ hội sẽ đi kèm với thách thức và rủi ro. Chúng ta cần phải chuẩn bị tốt để không lỡ chuyến tàu này.

Chuyên đề