Tình cảnh dự án BOT giao thông “cha chung không ai khóc”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, một số dự án BOT giao thông sau khi ngừng thu phí đã rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, xuống cấp nghiêm trọng vì không được bảo trì, sửa chữa. “Lỗ hổng” trong cơ chế chính sách, hợp đồng dự án BOT đang làm dấy lên nhiều mối lo trong dư luận về việc bảo đảm an toàn giao thông cho các công trình trong giai đoạn chuyển giao từ nhà đầu tư (NĐT) BOT sang tài sản sở hữu toàn dân.
Cần sớm lấp “lỗ hổng” của cơ chế chính sách nhằm bảo toàn giá trị công trình BOT sau khi ngừng thu phí. Ảnh: Lê Tiên
Cần sớm lấp “lỗ hổng” của cơ chế chính sách nhằm bảo toàn giá trị công trình BOT sau khi ngừng thu phí. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB), 9 dự án BOT giao thông đang tạm dừng thu phí, bị xuống cấp nhiều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông là những dự án sắp kết thúc hợp đồng. Trong đó, 4 dự án NĐT dừng thực hiện bảo trì là Dự án Quốc lộ 2 (QL2) đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, QL1 đoạn tránh Hà Tĩnh, QL1K đoạn Km 2+478-Km 12+971 và QL1 đoạn tránh Cai Lậy. Có 2 dự án BOT nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là Dự án QL1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa và QL91 đoạn Km14 - Km 50+889. Có 3 dự án BOT nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là Dự án Xây dựng cầu Đồng Nai, QL20 đoạn qua các thị trấn và QL1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và Tứ Câu - Vĩnh Điện.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, 1 NĐT BOT cho biết, trong thời gian thu phí, việc bảo trì dự án do NĐT thực hiện. Kinh phí bảo trì hàng năm được cơ quan quản lý thỏa thuận với NĐT và được tính toán vào phương án tài chính dự án. Khi dừng thu phí BOT, nhà đầu tư không vay được vốn từ ngân hàng nên công tác duy tu, sửa chữa phải ngừng và NĐT đã có văn bản thông báo tới cơ quan chức năng. Mặc dù công trình bị xuống cấp, hư hỏng, bị người dân ven đường lấn chiếm hành lang… nhưng NĐT cũng đành bất lực vì đây là tài sản quốc gia, không còn là tài sản của NĐT.

Trong khi đó, TCĐB cho biết, các dự án BOT bị xuống cấp nói trên mặc dù dừng thu phí nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, chưa bàn giao công trình do cơ quan quản lý và NĐT chưa thống nhất được các chi phí để xác định thời gian hoàn vốn như: lợi nhuận NĐT trong giai đoạn xây dựng, một số chi phí, lãi vay. Để tránh việc thu phí vượt quá thời gian, TCĐB đã chủ động tạm dừng thu phí các dự án BOT này. Theo quy định hiện hành, nếu tài sản chưa chuyển đổi thành sở hữu toàn dân thì không được sử dụng ngân sách nhà nước để bảo trì. Đây chính là nguyên nhân gây vướng mắc nguồn vốn bảo trì tại các dự án BOT tạm dừng thu phí.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, một hợp đồng BOT nếu đầy đủ và chặt chẽ phải lường trước và có các điều khoản bảo trì, bảo dưỡng công trình ở giai đoạn chuyển giao, xác định cụ thể trách nhiệm của NĐT hay Nhà nước ở giai đoạn ngừng thu phí mà chưa hoàn thành bàn giao công trình. Trên thực tế, thời điểm kết thúc thu phí không trùng với thời điểm chuyển giao công trình dự án cho cơ quan nhà nước, thanh lý chấm dứt hợp đồng là hết sức bình thường, phụ thuộc vào phương án tài chính cụ thể trong thời gian vận hành dự án (lưu lượng xe có thể biến động tăng – giảm làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và thời gian thu phí hoàn vốn). Vì thế, Nhà nước sớm phải đưa ra giải pháp kịp thời để lấp vào “lỗ hổng” của cơ chế chính sách, “lỗ hổng” của hợp đồng BOT nhằm bảo toàn được giá trị của các công trình BOT sau khi ngừng thu phí, tránh xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng TCĐB cho biết, để giải quyết vướng mắc cho các dự án BOT phải tạm dừng thu phí chờ quyết toán hợp đồng, TCĐB đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao Tổng cục tiếp nhận, quản lý bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý, chuyển giao để thực hiện công tác quản lý, bảo trì. Việc tiếp nhận được thực hiện ngay tại thời điểm NĐT BOT có đề nghị không tiếp tục thực hiện công tác bảo trì công trình BOT. Về lâu dài, TCĐB kiến nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định quyết toán thu, chi, các chỉ tiêu tài chính và quyết toán, thanh lý hợp đồng đối với các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó quy định rõ đối tượng và phạm vi áp dụng là các hợp đồng dự án chưa quyết toán để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở pháp lý thực hiện.

Bên cạnh đó, TCĐB cũng kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 57/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, trong đó bổ sung nội dung hướng dẫn việc bảo quản tài sản kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian từ khi tiếp nhận đến khi hoàn tất thủ tục chuyển giao.

Chuyên đề