Tín dụng “quay lưng”, doanh nghiệp khát vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ngân hàng tiếp nhận hồ sơ vay của doanh nghiệp (DN) song không hẹn ngày giải ngân. Thiếu vốn, DN đối diện với rủi ro phải thu hẹp sản xuất. Có ý kiến cho rằng, DN không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng do ngân hàng hết hạn mức tín dụng và cũng do DN không đáp ứng được điều kiện vay.
Có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay trong tháng 9 để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi, phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay trong tháng 9 để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi, phát triển. Ảnh: Lê Tiên

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, nhiều DN đang có nhu cầu vay vốn tín dụng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch năm sau song không thể tiếp cận.

“Các ngân hàng vẫn nhận hồ sơ vay vốn của DN nhưng không hẹn ngày giải ngân. Trong khi đó, các kênh huy động vốn khác cũng rất khó khăn. Để có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, nhiều DN đành hoãn trả nợ các khoản đến hạn và chấp nhận phạt chậm trả theo thỏa thuận tại hợp đồng, đồng thời thúc nợ các đối tác. Về lâu dài, điều này sẽ khiến nợ chồng nợ và gia tăng nợ xấu”, ông Quốc Anh nói.

Cán bộ tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Hà Nội cho biết, từ hơn một tháng nay đã nhận được chỉ đạo từ cấp trên là không giải ngân hồ sơ vay do hết hạn mức tín dụng. Nhân viên kinh doanh của ngân hàng chỉ tập trung thu hồi nợ cũ, thúc đẩy huy động để bảo đảm thanh khoản và an toàn nguồn vốn.

Theo ông Mạc Quốc Anh, nếu tình trạng này kéo dài, DN sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt với dự đoán lãi suất có thể sẽ tăng. Do đó, cần có các giải pháp hỗ trợ DN trong giai đoạn hiện nay, cụ thể là đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, nhanh chóng thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho DN tư nhân.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho biết, nhiều DN tại TP.HCM, đặc biệt là DN nhỏ và vừa đang kiệt quệ, chủ yếu do cạn vốn mà không tiếp cận được nguồn vốn vay mới. “Các DN vẫn trông đợi chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng song luôn được yêu cầu phải có tài sản thế chấp, có báo cáo tài chính cho thấy kết quả có lãi liên tục trong 2 - 3 năm, nhưng dịch tác động mạnh khiến DN khó có lãi”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại TP.HCM, với mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,3% từ đầu năm đến nay và mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, dư địa tín dụng vẫn còn khoảng 4,7% tương ứng 450 nghìn tỷ đồng cho vay.

“Các ngân hàng hiện không thiếu vốn cho vay nhưng DN muốn tiếp cận được nguồn vốn này thì phải đáp ứng đủ điều kiện, nếu không, ngân hàng không dám cho vay vì sợ rủi ro cao”, ông Minh nói.

Theo đại diện VNBA, từ nhiều năm nay, bên cạnh thế chấp bằng tài sản, DN có thể thế chấp bằng dòng tiền khi vay ngân hàng. Tức là, DN phải cho ngân hàng thương mại nắm được dòng tiền, công khai minh bạch báo cáo tài chính, cho biết các nguồn thu làm cơ sở để ngân hàng thu hồi nợ.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhiều DN phản ánh gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản và cho biết câu trả lời của ngân hàng là “đã cạn hạn mức tín dụng”. “Không hẳn DN nào cũng không vay được, nhiều DN xây dựng được hệ thống quản trị, quy trình sản xuất kinh doanh minh bạch, các hợp đồng xuất nhập khẩu rõ ràng, báo cáo tài chính đáng tin cậy nên có thể tiếp cận được nguồn vốn. Điều này đặt ra yêu cầu DN Việt cần chuẩn hóa các số liệu tài chính để có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tốt hơn”, ông Hiển nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để tạo thuận lợi cho hoạt động cung cấp vốn cho DN, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay trong tháng 9, bởi nếu đến quý IV mới nới room thì hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau và nợ xấu ngân hàng.

“Lưu ý thêm rằng, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, DN có nhu cầu vay vốn để hoạt động. Trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá thịt lợn thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%. Do đó, không nên quá lo ngại về lạm phát mà “bóp nghẹt” thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt”, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyên đề