Tín dụng dồi dào nhưng không dễ tiếp cận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ngân hàng thương mại vừa được nới hạn mức tín dụng ở mức khá cao cho thấy khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế tích cực. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này là không dễ dàng với nhiều doanh nghiệp.
Việc giải ngân vốn sẽ được các tổ chức tín dụng hết sức cân nhắc vì nợ xấu của ngành ngân hàng dự kiến tăng trong thời gian tới. Ảnh: Nhã Chi
Việc giải ngân vốn sẽ được các tổ chức tín dụng hết sức cân nhắc vì nợ xấu của ngành ngân hàng dự kiến tăng trong thời gian tới. Ảnh: Nhã Chi

Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nhiều ngân hàng vừa được cấp thêm room tín dụng, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần. Việc nới room tín dụng phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất.

Trong đó, Techcombank và TPBank là 2 ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel 2 ở mức cao, danh mục đầu tư rộng, không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro và có những cam kết hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới. Techcombank được nới room từ mức 12% lên 17,4%; TPBank được nới từ mức 11,5% lên 17,1%.

MSB có mức nới room từ 10,5% đầu năm lên 16%; MB từ 8,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; LienVietPostBank và ACB từ 8,5% và 9,5% cùng lên 13,1%...

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nêu rõ chủ trương đẩy mạnh cho vay hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục kinh tế. Theo đó, NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất vẫn tiếp tục trong năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).

Bên cạnh đó, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Kết quả là, đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng.

Với các biện pháp đó, đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME), dù lãi vay đã giảm nhẹ, nhưng với nhiều doanh nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiện vẫn không dễ dàng. Để được vay vốn, các doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh hiệu quả, nhưng ở thời điểm hiện nay, nhiều lĩnh vực thực sự rất khó khăn, đa số doanh nghiệp vay để cầm cự, duy trì chờ cơ hội hồi phục chứ chưa chắc chắn về triển vọng lợi nhuận.

“Các doanh nghiệp vay để duy trì hoạt động chờ hồi phục sẽ không dễ tiếp cận vốn. Một số doanh nghiệp vay vốn để chuyển đổi ngành nghề kinh doanh thì chưa thể tính toán chắc chắn về khả năng sinh lợi. Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực có khả năng sinh lời và có kế hoạch kinh doanh tốt thì khả năng tiếp cận vốn tốt hơn nhưng không nhiều”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc NHNN nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại góp phần cung cấp nguồn vốn dồi dào cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn tín dụng sẽ được các TCTD hết sức cân nhắc vì nợ xấu của ngành ngân hàng dự kiến tăng trong thời gian tới, hơn nữa, triển vọng hồi phục kinh tế chưa rõ nét trong ngắn hạn.

Ông Hiếu cho rằng, các TCTD sẽ rất kén chọn khách vay, họ sẽ tính toán kỹ lưỡng trước khi giải ngân. Các công ty trong những lĩnh vực vẫn hoạt động tốt và cần thêm nguồn lực mở rộng và phát triển như thực phẩm, dược phẩm, y tế, logistics, doanh nghiệp xây dựng có công trình ở những địa bàn đã được nới lỏng giãn cách và được hoạt động trở lại có khả năng tiếp cận vốn cao nhất.

"Bên cạnh đó, không loại trừ trường hợp một số doanh nghiệp vay vốn để đảo nợ nhằm tránh rơi vào tình trạng nợ xấu hoặc họ lách bằng cách phát hành trái phiếu để trả nợ cũ. Đây là điều đáng quan tâm và cần kiểm soát để dòng vốn tín dụng luân chuyển lành mạnh trong nền kinh tế", ông Hiếu lưu ý.

Chuyên đề