Hàng trăm túi xách hàng hiệu được tìm thấy tại căn hộ của ông Najib. (Ảnh: Straits Times) |
Giám đốc Cục Điều tra Tội phạm Thương mại thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, ông Amar Singh, cho biết kể từ ngày 16/5 cảnh sát đã tiến hành khám xét tổng cộng 6 ngôi nhà, gồm văn phòng của ông Najib, nhà riêng của ông ở Taman Duta và 4 căn hộ khác có liên quan đến ông này.
Tại căn hộ của ông Najib ở khu chung cư Pavilion Residences, cảnh sát đã tịch thu hàng trăm hộp màu cam có chứa túi xách hàng hiệu Hermes Birkin cùng nhiều tài sản có giá trị khác.
Straits Times dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết, cảnh sát đã thu giữ tổng cộng 284 hộp túi xách hàng hiệu cùng với 72 bao đựng tiền mặt, kim cương và các vật dụng có giá trị như đồng hồ hàng hiệu. Cảnh sát được cho là đã phải mang theo một máy đếm tiền để kiểm kê số tiền mặt thu giữ.
"Hiện chưa thể tổng kết giá trị của các tài sản bị thu giữ. Chúng tôi sẽ tính toán và có kết luận vào ngày mai", ông Singh nói và tiết lộ thêm rằng lượng kim cương bị tịch thu tương đối lớn.
Vợ của cựu Thủ tướng Najib, bà Rosmah Mansor, được cho là rất chuộng túi xách hàng hiệu Hermes Birkin. Mỗi chiếc có giá khoảng từ 12.000 USD đến 300.000 USD. Bà Rosmah Mansor từng gây phẫn nộ dư luận khi có thông tin nói rằng bà đã chi 200.000 USD để mua một túi xách Birkin da cá sấu hồi năm 2015. Tuy nhiên, trợ lý của bà Mansor đã lên tiếng bác bỏ.
Cuối tuần trước, cảnh sát nhận được trình báo rằng, bà Mansor có thể đang tìm cách che giấu số hàng hiệu với việc dùng ô tô để chuyển ít nhất 50 hộp túi xách Birkin tới căn hộ riêng ở chung cư Pavilion Residences.
Ngoài các tài sản có giá trị tịch thu được ở chung cư Pavilion Residences, cảnh sát cũng thu giữ nhiều đồ vật có giá trị tại nhà riêng của ông Najib ở Taman Duta, trong đó có một két sắt. Theo luật sư của ông Najib, cảnh sát đã tìm cách khoan để mở chiếc két vì chìa khóa của nó bị mất và chiếc két bị khóa suốt 20 năm qua.
Ông Najib và vợ đang bị điều tra về nghi vấn có liên quan đến một vụ bê bối tài chính chấn động Malaysia. Ông Najib Razak đã thành lập quỹ 1MDB vào năm 2009 nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, quỹ này bị nghi là có liên quan tới bê bối rửa tiền gây thất thoát khoảng 4,5 tỷ USD và có liên quan tới hàng loạt quốc gia trong khu vực và trên thế giới.