Tìm giải pháp phát triển nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh nhà ở xã hội ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp bất động sản đề xuất được quy đổi 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại sang giá trị tài chính để Nhà nước chủ động xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, nhà ở phân khúc cao cấp sẽ tập trung ở khu vực trung tâm thành phố, phân khúc trung cấp, nhà ở bình dân phải đi xa hơn, bán kính khoảng 10 - 15 km.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng hết năm 2019 mới đạt khoảng 34,3%. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng hết năm 2019 mới đạt khoảng 34,3%. Ảnh: Lê Tiên

Tăng ưu đãi cho doanh nghiệp để khơi thông thị trường

Tại Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, đến hết năm 2019, chỉ có 207 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, tương đương hơn 4,3 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đạt khoảng 34,3%.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội có 2 dự án nhà ở xã hội được mở bán là Dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) với 307 căn hộ diện tích 50 - 68 m2, trong đó có 245 căn để bán, 62 căn cho thuê. Giá bán nhà ở xã hội tại Dự án khoảng 17,5 triệu đồng/m2, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và kinh phí bảo trì. Dự án thứ hai nằm ở Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) với tổng số 144 căn hộ nhà ở xã hội, có 105 căn mở bán và 29 căn để cho thuê. Giá bán căn hộ tại Dự án là 13,762 triệu đồng/m2.

Đối với TP.HCM, địa phương này tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng thêm 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, dự kiến năm 2020 có thể hoàn thành 20.000 căn. Tuy nhiên, mục tiêu này khó thành hiện thực khi nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý hoặc xin chuyển đổi thành dự án căn hộ thương mại. Điều này khiến người dân khó mua nhà ở xã hội.

Nhấn mạnh về nguồn cung sụt giảm từ đầu năm đến gần hết quý II/2020, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, không chỉ do Covid-19 mà còn do thể chế pháp luật chồng chéo. Điểm nghẽn lớn nhất là đất công xen kẹt trong các dự án.

Tuy nhiên, chính sách phát triển nhà ở xã hội đang có nhiều vướng mắc, nhất là quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại hiện còn thiếu, hay các quy định lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa rõ ràng; ưu đãi đối với nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lý nguồn vốn ưu đãi cũng chưa được quy định rõ.

Để giảm ách tắc trong phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó, 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) để hỗ trợ cho vay phát triển nhà ở xã hội. “Từ đây, các ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm trên dưới 60.000 tỷ đồng. Những dự án nhà ở xã hội đang triển khai mà vướng mắc về vốn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ cho vay. Như vậy, những năm tới, phân khúc nhà ở xã hội sẽ khởi sắc”, ông Ninh nói.

Cũng theo ông Ninh, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến trong quý III/2020 sẽ có Dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. 

Nhà ở cao cấp trong nội đô, nhà ở xã hội ra ngoại thành

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land đề xuất, cần quy hoạch bất động sản phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường. Cụ thể, phân khúc cao cấp sẽ tập trung ở khu vực trung tâm do giá trị đầu vào cao. Phân khúc trung cấp, nhà ở bình dân vừa túi tiền sẽ phải đi xa hơn, bán kính khoảng 10 - 15 km. Đồng thời, cần xem xét lại quy định mỗi dự án bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội vì như vậy sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực đối với những vị trí không phù hợp xây dựng các dự án thuộc phân khúc này.

Đồng tình với ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch theo xu hướng phát triển sản phẩm cao cấp ở trung tâm thành phố, ông Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, thực tế giá đất ở những khu vực này rất cao, chỉ phù hợp với đối tượng nhà giàu, trung lưu.

Về quy định bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội ở mỗi dự án nhà ở thương mại, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định: Nếu việc bố trí quỹ đất 20% không phù hợp thì UBND địa phương có trách nhiệm báo cáo Chính phủ xem xét, không bắt buộc tất cả các dự án phải bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội. Doanh nghiệp có thể trực tiếp kiến nghị đối với từng trường hợp dự án cụ thể.

Chuyên đề