Tiếp tục hành trình chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 29/11/2005, Luật Đấu thầu 2005 số 61/2005/QH11 được ban hành đánh dấu lần đầu Việt Nam có đạo luật về đấu thầu. Ngày 26/1/2013, hoạt động đấu thầu có thêm một dấu mốc ấn tượng khi Luật Đấu thầu 2013 số 43/2013/QH13 ra đời, bắt đầu cho hành trình mới, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả hơn, tiệm cận với thông lệ thế giới nhất. 10 năm thực thi Luật với nhiều thành quả đã tạo nền tảng vững chắc để năm 2023 sẵn sàng cho việc thực thi Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong bối cảnh hoàn toàn mới.
Khi thực tiễn phát sinh nhiều tình huống mới, các quy định liên quan có nhiều sửa đổi, cần có những điều chỉnh, đột phá mới trong quy định về đấu thầu. Ảnh: Trần Chiến

Khi thực tiễn phát sinh nhiều tình huống mới, các quy định liên quan có nhiều sửa đổi, cần có những điều chỉnh, đột phá mới trong quy định về đấu thầu. Ảnh: Trần Chiến

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2015 đến năm 2020 là giai đoạn rõ nét nhất của quá trình thực thi Luật Đấu thầu. Theo đó, các gói thầu tăng cả về số lượng, quy mô. Cụ thể, cả nước có tổng số 1.406.754 gói thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu, với tổng giá gói thầu là 3.954.035 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 3.715.484 tỷ đồng, chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu (giá trị tiết kiệm) là 238.549 tỷ đồng, tương đương 6,033%.

Nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đấu thầu hiệu quả, tỷ trọng về giá trị các gói thầu chỉ định thầu giảm dần theo từng năm; tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu sử dụng vốn nhà nước để duy trì hoạt động thường xuyên tăng theo từng năm.

Công tác đấu thầu tập trung đã được triển khai tốt. Năm 2020, tỷ lệ tiết kiệm qua việc mua sắm tập trung của cả nước khá cao (đạt 11,59%), trong đó một số đơn vị rất cao, như các tỉnh: Hà Nam (37,43%), Bắc Giang (36,94%), Tuyên Quang (34,01%)...

10 năm qua cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động đấu thầu qua mạng (ĐTQM). Kết thúc giai đoạn triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc (2012 - 2015), từ năm 2016, quá trình áp dụng ĐTQM có những bước tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, năm 2016 ghi nhận hơn 3,3 nghìn gói thầu ĐTQM, tăng gấp 7 lần so với năm 2015. Trong 3 năm 2016 - 2018, tổng số gói thầu qua mạng đạt 26,5 nghìn gói thầu, với tổng giá gói thầu là 56,6 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2019, có 39,6 nghìn gói thầu được ĐTQM, gấp đôi năm 2018. Đặc biệt năm 2020, cùng với việc đưa ra lộ trình về ĐTQM, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đôn đốc thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tỷ lệ gói thầu áp dụng ĐTQM tính đến 31/12/2020 đạt 86,6% về số lượng (98.172 gói thầu) và 54,6% về tổng giá trị (303.236 tỷ đồng), bằng 1,5 lần cả giai đoạn 2016 - 2019. Năm 2021, số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM tăng 1,18 lần (115.371 gói thầu), tổng giá gói thầu tăng hơn 1,29 lần (391.272 tỷ đồng).

Đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã tạo dựng khung pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh ĐTQM, tạo chuyển biến toàn diện trong công tác đấu thầu, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong triển khai đấu thầu.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Luật Đấu thầu 2013 có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến mọi hoạt động đầu tư, mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng sau gần 10 năm vẫn cho thấy tính ổn định, thông thoáng, chuyên nghiệp. Dù vậy, trong bối cảnh mới, khi thực tiễn phát sinh nhiều tình huống mới, các quy định liên quan có nhiều sửa đổi, đã đến lúc cần có những điều chỉnh, đột phá mới trong quy định về đấu thầu.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định, mục tiêu xây dựng Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là tiếp tục tạo dựng môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất có hiệu lực, hiệu quả về mua sắm công. Đầu tiên là nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch của công tác đấu thầu, góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu. Thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững và tạo công ăn việc làm cho nhóm lao động yếu thế, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thông qua hoạt động đấu thầu. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.

Tại các hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Luật Đấu thầu, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác xây dựng Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Bộ KH&ĐT chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, trực diện sửa đổi, thậm chí mạnh dạn cắt bỏ những nội dung không còn phù hợp.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp TP.HCM khẳng định, việc sửa đổi Luật Đấu thầu sẽ tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, qua đó giúp khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Trong khi đó, trên nghị trường Quốc hội, khi xem xét đề xuất của Chính phủ về việc sửa Luật Đấu thầu, đa số đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải làm mới một số quy định. “Ban soạn thảo đã mạnh dạn đưa vào nhiều nội dung cải cách, đổi mới và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Đồng thời, đưa ra các quy định để giúp thực hiện công tác đấu thầu trong hoàn cảnh đặc biệt. Do đó, điều quan trọng để Luật Đấu thầu (sửa đổi) áp dụng hiệu quả là cần đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, cơ quan này tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành.

Trao đổi với phóng viên, nhiều nhà thầu tại TP.HCM đánh giá, hành trình 10 năm của Luật Đấu thầu 2013 cùng hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn Luật do Bộ KH&ĐT xây dựng đã thực sự tạo nên một môi trường đấu thầu chuyên nghiệp, những cán bộ làm công tác đấu thầu vững vàng về nghiệp vụ. “Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần thiết được ban hành vào năm 2023, khi mà môi trường đấu thầu đã dần chuyển từ giấy sang số, cần một khung pháp lý hiện đại hơn, tiệm cận thế giới hơn để thực sự phát huy hiệu quả từng đồng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước”, đại diện Công ty CP Xây dựng Thới Bình cho biết.

Chuyên đề