Tiếp sức cho ngành công nghiệp chủ lực

(BĐT) - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu, đang tác động nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp trong nước, nhất là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. 
Ngành điện tử dự kiến bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 trong các quý tiếp theo của năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Ngành điện tử dự kiến bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 trong các quý tiếp theo của năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Bởi vậy, giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn bằng việc thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách cũng như tiếp tục hoàn thiện các nền tảng để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc là vấn đề trọng tâm hiện nay.

Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực bị tác động mạnh

Theo Báo cáo cập nhật đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên các ngành công nghiệp trọng điểm của Bộ Công Thương vừa được công bố, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước trên 2 phương diện là nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào và thị trường tiêu thụ (bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu).

Bộ Công Thương đánh giá, nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gặp không ít khó khăn do phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác trong ngắn hạn cũng gặp nhiều khó khăn; giá thành một số nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện nhập khẩu tăng so với trước có thể gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước…

Thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là với thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu tác động nghiêm trọng. Dịch bệnh bùng phát mạnh ở châu Âu và Hoa Kỳ khiến các nước này phải áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Các biện pháp này cùng tâm lý cắt giảm chi tiêu để phòng, chống dịch dẫn đến nhu cầu mua sắm tại các thị trường này giảm mạnh.

Báo cáo chỉ ra, khó khăn về thị trường đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3 ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cụ thể, đối với ngành dệt may và da giày, đến nay, nhiều khách hàng lớn từ Mỹ và châu Âu đã đề nghị các DN Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, thậm chí đề nghị hủy hợp đồng. Dự kiến, số lượng đơn hàng trong tháng 4 và tháng 5 của ngành này sẽ giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 là rất chậm.

Tương tự, ngành điện tử dự kiến bị ảnh hưởng lớn trong các quý tiếp theo của năm 2020, có thể làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, ngành sản xuất đồ gỗ cũng chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh khi thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm 50% và 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. 

Tạo đà hồi phục sau dịch

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong các ngành công nghiệp trọng điểm bị ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đề xuất hàng loạt giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong ngắn hạn, Bộ Công Thương cho rằng, ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này là phải duy trì hoạt động của các DN công nghiệp trong nước, bởi việc để một DN đóng cửa vĩnh viễn sẽ phá huỷ việc làm và tạo ra hiệu ứng lan truyền đối với các DN khác dọc theo chuỗi cung ứng.  Do vậy, trong thời gian tới, cần phải quyết liệt triển khai 3 giải pháp cơ bản, trong đó có giải pháp về thị trường để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Cụ thể, với thị trường trong nước, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, có phương án để cung cấp phục vụ các địa bàn trên cả nước trong mọi tình huống của dịch bệnh; đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa.

Với thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường Mỹ và châu Âu, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu kỹ nội dung dự luật về gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD mới được chính quyền Mỹ thông qua, nắm bắt các trọng tâm trong chính sách kích cầu tiêu dùng, từ đó có phương án tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu thích hợp. Bên cạnh đó tập trung hoàn tất các thủ tục để sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực thi có hiệu quả hiệp định này ngay sau khi có hiệu lực…

Về dài hạn, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ để có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ; ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển… nhằm tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước.

Chuyên đề