Tiếp sức cho đà hồi phục của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan với sự gia tăng số lượng DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động. Đây là tiền đề tốt để hoạt động gia nhập thị trường thời gian tới tiếp tục sôi động.
Lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo… Ảnh: Lê Tiên
Lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo… Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp thành lập mới thiết lập kỷ lục

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 62.961 DN thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm từ trước đến nay. Số vốn đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 761.035 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2022 là 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số vốn đăng ký tăng thêm của 22.108 DN đang hoạt động đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng tháng 5, tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường là 18.577 DN, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,8 lần số DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới là 13.370 DN, với số vốn đăng ký là 125.753 tỷ đồng, tăng 15,2% về DN.

“Mặc dù số DN đăng ký thành lập trong tháng 5 không bằng tháng 4, nhưng vẫn tiếp tục giữ được đà tăng so với cùng kỳ năm trước và là con số cao nhất trong tháng 5 từ trước đến nay (cao hơn mức trung bình 11.001 trong tháng 5 của giai đoạn 2017 - 2021)”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá.

Về số DN quay trở lại hoạt động, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh, trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 35.615 DN quay trở lại thị trường, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là số DN tái gia nhập thị trường cao nhất trong 5 tháng đầu năm từ trước đến nay, cao gần gấp 2 lần số bình quân 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2021 (gần 18.130 DN).

Lĩnh vực có số lượng DN quay trở lại hoạt động nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo…

Tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022 cả nước vẫn có 71.805 DN tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số DN rút lui khỏi thị trường có đến 63,9% là DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều DN rút khỏi thị trường là do hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như giá nguyên vật liệu đầu vào một số ngành sản xuất tăng, nguồn cung lao động chưa ổn định…

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng: “Thách thức lớn nhất đối với DN tới đây có thể là giá cả một số nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tiếp tục tăng, trong đó giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến nhiều ngành kinh tế”. Theo ông Nam, DN tham gia dịch vụ thương mại hàng hóa chiếm khoảng 65% tổng số DN đang hoạt động, lượng hàng hóa phải lưu thông rất lớn. Hoạt động lưu thông hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ, do đó giá xăng tăng sẽ tác động trực tiếp đến chi phí vận chuyển và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN.

Vì vậy, để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đại diện VINASME đề xuất, một mặt cần phải giữ được giá xăng dầu, không để giá tăng tác động quá lớn vào hoạt động của DN. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí cho DN; thực hiện các giải pháp không để lãi suất tăng…

Theo ông Nguyễn Phương Bắc, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp thúc đẩy đầu tư công nhằm tạo cầu, qua đó gián tiếp hỗ trợ DN phục hồi, phát triển. Đối với việc thực hiện các gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gói hỗ trợ 2% lãi suất cho DN, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan để triển khai nhanh chóng, thực sự hỗ trợ DN, tránh tình trạng “hỗ trợ trên giấy”.

Một số chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, các cơ quan quản lý và DN cần thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi số nhằm giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Chuyên đề