Tiếp nối dòng mạch canh tân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm qua chứa đầy những biến động với các cuộc chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi và vun đắp cương thổ. Trong những cuốn sử được ghi chép lại, bên cạnh phần lớn những trang viết về máu xương, gươm súng, cũng ghi lại nhiều dấu ấn canh tân và phát triển. Nguồn mạch canh tân và phát triển luôn được tiếp nối khi mạnh mẽ khi âm thầm, bởi khát vọng thịnh trị, đất nước hùng cường là khát vọng lớn nhất và bền bỉ nhất của dân tộc ta.
Công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long của Lý Công Uẩn vào thế kỷ XI mở ra một thời kỳ phát triển thịnh vượng. Ảnh: Thế Hùng
Công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long của Lý Công Uẩn vào thế kỷ XI mở ra một thời kỳ phát triển thịnh vượng. Ảnh: Thế Hùng

Đất nước đã có những kỷ nguyên phát triển bền vững kéo dài hàng mấy trăm năm. Đó là kết tinh của những cuộc canh tân và cải cách lớn lao. Có những cuộc canh tân không tiến đến được cái đích như khát vọng, nhưng đã để lại nền móng và bài học cho hậu thế tiếp tục cải cách vì sự phát triển.

Trong lịch sử các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam kéo dài hơn 10 thế kỷ ghi nhận khoảng 10 cuộc canh tân và cải cách có dấu ấn lớn. Những thế hệ sau có thể nghiên cứu từ đây để tìm lấy những tinh hoa hòa cùng những nhận thức mới làm thành kinh nghiệm quốc gia, kết hợp hiệu quả với những tiến bộ về tư tưởng và khoa học kỹ thuật mới của thời đại, nhằm hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng ngàn đời nay.

Đầu tiên là cuộc cải cách do cha con Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo khởi xướng vào thế kỷ thứ X. Khúc Thừa Dụ là một người có tư tưởng dân tộc, đã dấy lên công cuộc giành độc lập của nước Việt sau 1.000 năm Bắc thuộc. Khúc Hạo, thay cha tiếp nối, là một người tài trí, tập hợp được nhiều nhân sỹ cùng chí hướng đã làm nên một cuộc canh tân và cải cách rất sâu rộng, bao hàm cải cách chính trị, xây dựng cơ cấu hành chính, phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội, có tác dụng quan trọng đến sự nghiệp giải phóng dân tộc. Công cuộc giành độc lập, canh tân và cải cách này không đi đến đích cuối cùng trong bối cảnh vẫn còn nhiều lệ thuộc vào phương Bắc và những thủ lĩnh của công cuộc ấy mất sớm, nhưng đã tạo tiền đề cho các hào kiệt đời sau như Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền… xây nền độc lập.

Đất nước đã có những kỷ nguyên phát triển bền vững kéo dài hàng mấy trăm năm. Đó là kết tinh của những cuộc canh tân và cải cách lớn lao. Có những cuộc canh tân không tiến đến được cái đích như khát vọng, nhưng đã để lại nền móng và bài học cho hậu thế tiếp tục cải cách vì sự phát triển.

Các cuộc canh tân và cải cách muốn đi đến thành công phải hội tụ được ba yếu tố trọng tâm là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Bây giờ chính là một thời điểm tiếp nối mạnh mẽ dòng mạch canh tân và phát triển mở ra từ công cuộc Đổi mới.

Thứ hai là công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long của Lý Công Uẩn vào thế kỷ XI. Lý Công Uẩn là một trọng tướng của nhà Tiền Lê, tiếp nhận ngôi vua trong hòa bình, với những phẩm chất và tầm nhìn cá nhân, đã thu phục được lòng người để làm nên những chuyển biến lớn lao. Kinh đô triều đại được chuyển về nơi có thế đất “rồng bay lên”. Các đời vua nhà Lý nối tiếp nhau trị vì lâu dài. Vì thế, dưới thời nhà Lý, kinh tế phát triển với sự xuất hiện các phường hội và làng nghề có tính chất chuyên nghiệp. Tầng lớp thương nhân được hình thành. Người Việt bắt đầu có chiến lược trị thủy với việc khơi thông, mở rộng sông Thiên Đức (Đuống). Tôn giáo, tín ngưỡng phát triển rực rỡ… Đây là công cuộc canh tân có ý nghĩa lịch sử, có vị trí quan trọng trong phát triển xã hội, bắt đầu từ đổi mới địa chính trị đưa đến mở rộng tầm vóc quốc gia về kinh tế, văn hoá và quân sự, tạo tiền đề cho triều đại nhà Lý phát triển bền vững hơn 200 năm.

Thứ ba là công cuộc lên ngôi và cải cách của nhà Trần với vai trò của Trần Thủ Độ đầu thế kỷ XIII. Khi nhà Lý suy vi, gia tộc họ Trần xuất hiện với ý thức phải nhận lãnh sứ mệnh đứng lên trị quốc. Người có vai trò thiết kế cuộc chuyển giao ngôi vua trong êm thuận là Thái sư Trần Thủ Độ. Ông cũng là người lãnh đạo công cuộc đổi mới các chính sách xã hội tạo nên tiền đề chính trị, kinh tế và xã hội quan trọng cho việc tập hợp và phát huy sức mạnh dân tộc, làm nên Hào khí Đông A, đối đầu và lập nên kỳ tích ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Triều đại nhà Trần phát triển và bền vững tới 175 năm.

Thứ tư là cuộc cải cách của Hồ Quý Ly đầu thế kỷ XV. Khi nhà Trần suy thoái, Hồ Quý Ly, vốn là một rường cột của nhà Trần, lên ngôi. Hồ Quý Ly đã đề ra một cuộc cải cách với nhiều chiều kích mới và rất táo bạo, đánh dấu bước phát triển mới của xã hội, trong đó có cải cách tiền tệ, lần đầu tiên phát hành tiền giấy tại nước ta, tạo nên sự thông thương, phát triển thương nghiệp trong nền kinh tế phong kiến. Cuộc cải cách thất bại do cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương chưa chú trọng tạo dựng nhân hòa, không tập hợp được lòng người và một nguyên nhân nữa là bên ngoài có sự phá hoại của quân xâm lược nhà Minh. Tuy nhiên, cuộc cải cách này đã để lại những kinh nghiệm, bài học quý báu cho nhà Hậu Lê tiếp thu và phát triển.

Thứ năm là cuộc cải cách hành chính của Lê Thánh Tông vào thế kỷ XV. Lê Thánh Tông lên ngôi vua trong bối cảnh nhà Hậu Lê, do Lê Lợi dựng nên, sau một thời kỳ phát triển, đã sa vào rối ren chính sự và bị lũng đoạn bởi nhiều gian thần. Nhiều vị trọng quan trong triều, vì sự phát triển bền vững của xã tắc, đã phò trợ Lê Tư Thành, một con người có nhiều phẩm chất, năng lực lên ngôi. Kế thừa công cuộc cải cách hành chính của họ Khúc và các cuộc canh tân, cải cách trước đó, Lê Thánh Tông đã tạo nên sự đổi mới toàn diện xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ ấy. Bộ luật Hồng Đức được ban hành, Tao đàn nhị thập bát tú được lập ra. Kinh tế, xã hội, tôn giáo tín ngưỡng tiếp tục phát triển…

Thứ sáu là cuộc cải cách về tài chính của Trịnh Cương ở Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII nhằm ổn định xã hội bằng biện pháp tài chính. Cuộc cải cách không giải quyết được cơ bản khủng hoảng ở Đàng Ngoài nhưng đã ngăn được sự suy vong của nghiệp Chúa trong một giai đoạn.

Thứ bảy là công cuộc đổi mới do Đào Duy Từ khởi xướng ở Đàng Trong thế kỷ XVII, tạo nên những dấu ấn về đổi mới xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá ở Đàng Trong, góp phần kiềm chế xung đột và chiến tranh Trịnh - Nguyễn.

Ảnh: Vũ Long

Ảnh: Vũ Long

Thứ tám là cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mệnh, thế kỷ XIX. Cuộc cải cách đã tiếp thu và phát huy được những thành quả của nhiều lớp tiền bối, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong đổi mới và thống nhất hệ thống hành chính, phân cấp hành chính và chế định ngạch bậc quan lại từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, công cuộc này không giải quyết được khủng hoảng toàn diện của xã hội phong kiến vào thời kỳ suy tàn, cần phải chuyển sang một hình thái cao hơn, phù hợp với xu thế hơn.

Thứ chín là đề xuất cải cách của các nhân sỹ, đứng đầu là Nguyễn Trường Tộ, thế kỷ XIX. Nguyễn Trường Tộ cùng với các nhân sỹ như Phạm Phú Thứ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Đặng Huy Trứ… sớm có cơ hội tiếp xúc, giao lưu và học hỏi xã hội phương Tây thời đó. Họ ưu thời mẫn thế, cảm nhận được nhà nước phong kiến Việt Nam bị kiềm tỏa dưới ách đô hộ của thực dân, nên đã đề xuất với triều đình nhiều kế hoạch cải cách. Trong những đề xuất đó, đề xuất của Nguyễn Trường Tộ có cái nhìn sâu sắc và bao quát được những yêu cầu phát triển toàn diện của đất nước. Rất tiếc là những đề nghị này không được tiếp thu, không có cơ hội thực hiện, nhưng đã góp phần thúc đẩy và mở mang dân trí, hướng đến con đường tất yếu phải canh tân, cải cách để giành độc lập và xây dựng lại đất nước.

Thứ mười là phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Duy Tân có nghĩa là đổi mới, duy nhất phải đổi mới, là chủ kiến và định hướng trong phát động công cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển đất nước của một số nhân sỹ, sau đó phát triển thành một trào lưu tập hợp những nhà yêu nước thời kỳ đó và đông đảo nhân dân theo xu hướng canh tân, hướng đến mục tiêu cuối cùng là thoát khỏi ách lệ thuộc thực dân, giành lấy độc lập dân tộc. Phong trào Duy Tân đã đóng góp quan trọng trong những diễn biến lịch sử dẫn đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Sau khi thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, trước rất nhiều thử thách cam go và những nguy cơ mới, Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã đề ra đường lối Đổi mới. Và từ thời điểm đó đến nay là sự phát triển, tích tụ để hình thành nên một công cuộc canh tân, cải cách lớn lao mới đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn để đi nhanh trên con đường tới hùng cường và thịnh vượng như khát vọng ngàn đời nay của dân tộc.

Các cuộc canh tân và cải cách muốn đi đến thành công phải hội tụ được ba yếu tố trọng tâm là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Bây giờ chính là một thời điểm tiếp nối mạnh mẽ dòng mạch canh tân và phát triển mở ra từ công cuộc Đổi mới.

Thiên thời, địa lợi đã hội tụ. Chưa bao giờ đất nước có vị thế và điều kiện để hướng tới phát triển như hiện nay. Lòng người, là nhân hòa, yếu tố rường cột và then chốt cho nguồn lực canh tân, đang được vun đắp. Bao nhiêu mong ước dường như đang tụ về…

Một đội ngũ đông đảo các doanh nhân đã xuất hiện, đang tiếp tục xuất hiện. Họ là lực lượng dẫn đầu xã hội trong cuộc canh tân mới. Những gì đã làm được, những gì còn dang dở, thậm chí thất bại, sẽ là tiền đề cho chặng đường phía trước. Trong cuộc canh tân mới mẻ và tầm cỡ này, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích và đề cao mọi cá nhân cùng đất nước làm giàu, phát triển kinh tế thị trường, tôn trọng những quy luật khách quan nhưng chú trọng những đặc thù và sáng tạo riêng của quốc gia, đấy như là ta đang mở một mặt trận lớn, một cuộc lên đường mới với rất nhiều hào khí và sung mãn.

Những bước đi thận trọng, kiên quyết để bóc gỡ những tồn tại và sai lạc của cả giai đoạn đã qua đang đi dần đến đích. Việt Nam - một quốc gia cường thịnh, sẽ không chỉ mãi là giấc mơ của ngàn đời nay, mà đang được hiện thực hóa với mọi cố gắng của mỗi người Việt chúng ta.

Chuyên đề