Tiền tệ châu Á có thể tiếp tục đà tăng trong năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Goldman Sachs, các đồng tiền châu Á có thể chứng kiến một trong những đà tăng mạnh nhất kéo dài trong 2 tháng và các quốc gia có lợi suất thấp trong khu vực sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index đã tăng 5% kể từ cuối tháng 10, với đồng Baht (Thái Lan), đồng Won (Hàn Quốc) và đồng Ringgit (Malaysia) dẫn đầu đà tăng. Chỉ có hai lần khác - cả hai đều vào năm 1998 - là chỉ số này có mức tăng lớn hơn 5% trong khoảng thời gian 2 tháng.

Các loại tiền tệ trong khu vực đã phục hồi mạnh mẽ trong những tuần gần đây khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ và Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế Covid-19.

Tuy nhiên, một số chiến lược gia cảnh báo rằng vẫn có những rủi ro đang rình rập là Mỹ có thể tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất và nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những "cơn gió ngược" do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.

Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, động thái dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19 của Trung Quốc đang mang đến cho các đồng tiền một sự hỗ trợ rất cần thiết. Mối tương quan 30 ngày giữa đồng Nhân dân tệ trong nước và chỉ số các đồng tiền khu vực châu Á đang dao động ở mức 0,86 - gần mức cao kỷ lục 0,93 đạt được vào đầu tháng 12.

"Quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc - bắt đầu sớm hơn nhiều người dự kiến - có khả năng tạo ra những tác động đáng kể, tích cực về tiền tệ đối với các nền kinh tế trong khu vực", các chiến lược gia của Goldman Sachs nhận xét.

Goldman Sachs cũng đang thận trọng về triển vọng cho các thị trường mới nổi ở quy mô lớn hơn. Ngân hàng này lưu ý rằng, việc nới lỏng các hạn chế của Trung Quốc và sự lạc quan của Fed chỉ giúp giải thích một số, chứ không phải là tất cả về sự phục hồi của các tiền tệ châu Á kể từ đầu tháng 11.

Chuyên đề