Tiến nhanh trên đường đua đón “đại bàng” công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân tại Việt Nam”. Đó là chia sẻ của ông Jensen Huang, Chủ tịch, CEO Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ) - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới - khi tới Việt Nam tháng 12/2023, mở ra kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều “đại bàng” công nghệ đến Việt Nam “làm tổ”. Về phần mình, Việt Nam cần có chính sách đủ hấp dẫn để tiến nhanh trên đường đua đón “đại bàng”.
Tiến nhanh trên đường đua đón “đại bàng” công nghệ

Mối quan tâm lớn và những “cơ hội phi thường”

Tại cuộc tọa đàm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), ông Jensen Huang khẳng định: “Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Thời điểm tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược trong AI và chip - cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia”. Chủ tịch Nvidia cam kết, sẽ coi Việt Nam là “quê hương thứ hai”, lan tỏa nhiều hơn lợi ích từ dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng trong tháng 12/2023, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) dẫn đầu đoàn gồm nhiều doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ông Neuffer cho biết, các thành viên của SIA như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon... đã có những khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. "Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam ghi dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu", ông Neuffer nhận định.

Những cuộc làm việc trên diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam tháng 9/2023. Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặt trọng tâm hợp tác vào đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, trong đó ngành bán dẫn và AI được kỳ vọng mở ra những cơ hội tỷ USD.

Thực tế, đã có nhiều “đại bàng” công nghệ “làm tổ” tại Việt Nam và không ngừng gia tăng quy mô đầu tư. Đã đầu tư lớn tại Việt Nam, Samsung, Foxconn, Goertek, Intel... coi Việt Nam là một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng nhất. Apple tuy chưa có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, nhưng hiện đã có hơn 30 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc cho Apple đầu tư tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ tháng 9/2023, ông Nick Ammann, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ chính phủ toàn cầu của Apple cho biết, Việt Nam là thị trường, địa bàn sản xuất rất quan trọng và hai bên còn nhiều tiềm năng để hợp tác.

Trong năm 2023, hàng loạt dự án công nghệ lớn điều chỉnh tăng vốn hoặc đăng ký mới, như Dự án LG Innotek Hải Phòng tăng vốn hơn 1 tỷ USD; Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà, Quảng Ninh, vốn đăng ký đầu tư 1,5 tỷ USD; Dự án Nhà máy Lite-On Quảng Ninh, sản xuất các thiết bị điện tử của Tập đoàn Lite-on Technology Corporation, vốn đầu tư 690 triệu USD; Dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian, tỉnh Bắc Giang, vốn đầu tư 621 USD; Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam (đối tác của Apple) điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Giang thêm 330 triệu USD... Tháng 10/2023, Amkor khánh thành nhà máy ở Bắc Ninh, vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, trong đó, giai đoạn 1 là 520 triệu USD.

Nhanh hơn trên đường đua

Ở một diễn biến khác, những ngày cuối năm 2023, Intel công bố khoản đầu tư lên tới 25 tỷ USD vào Israel để xây dựng nhà máy sản xuất chip. Là nhà đầu tư chiến lược, Intel được Chính phủ Israel hỗ trợ khoản tiền mặt lớn mỗi khi thực hiện đầu tư và với khoản đầu tư 25 tỷ USD cho nhà máy sản xuất chip nêu trên, Intel tiếp tục được Chính phủ Israel hỗ trợ 3,2 tỷ USD. Cả Ba Lan và Đức trước đó cũng đưa ra những cam kết hỗ trợ không nhỏ để nhận được các dự án lớn của Intel.

Rõ ràng, cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư đã và đang ngày càng gay gắt hơn với Việt Nam. Bên cạnh đó, từ năm 2024, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tạo áp lực lớn trong thu hút “đại bàng” công nghệ tới Việt Nam, bởi các quốc gia đang chạy đua quyết liệt và có những chính sách riêng để thu hút dòng vốn chất lượng cao.

Riêng trong lĩnh vực bán dẫn, nhiều quốc gia đã tung ra những chính sách ưu đãi đầu tư mới. Ấn Độ thông qua thỏa thuận chi tiêu 30 tỷ USD để đưa nước này trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất điện tử với bán dẫn là nền tảng cơ bản. Hàn Quốc công bố chiến lược “K-Semiconductor Belt” nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn lớn nhất thế giới vào năm 2030...

Theo Bộ KH&ĐT, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư. Theo đó, cần đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính sàng lọc để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư có chất lượng cao; đa dạng hóa chính sách ưu đãi đầu tư theo kinh nghiệm quốc tế để thu hút được những nhà đầu tư thế hệ mới, đi vào thực chất đầu tư làm gia tăng giá trị...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đang chủ động chuẩn bị để sẵn sàng đón bắt cơ hội. Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tháng 11/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024. Việt Nam đã thành lập NIC - cơ quan thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn. Quy hoạch Điện 8 đã được phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư. Hệ thống giao thông như đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế đã dần hoàn thiện và đồng bộ. Việt Nam có 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao...

Nhiều chuyên gia nhận định, với sức hút rất lớn, sự chuẩn bị chủ động, tích cực, nếu sớm có những chính sách ưu đãi đầu tư đủ sức cạnh tranh, Việt Nam có thể đón đợt bùng nổ đầu tư nước ngoài lần thứ tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Năm 2023 có thể là “chân sóng” trong một “đợt sóng” đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam và năm 2024 có thể là bước ngoặt, trước hết về thu hút đầu tư ở những phân khúc công nghệ cao hơn, giữ chân và thu hút thêm được nhiều “đại bàng” công nghệ.

Chuyên đề