VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên TGĐ, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongA Bank - DAB).
Theo đó, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 2.057 tỷ đồng; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hơn 1.551 tỷ đồng.
Ông Bình bị xác định gây thiệt hại cho DAB hơn 3.608 tỷ đồng - là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB bị lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu.
Là cấp dưới của Trần Phương Bình, trong thời gian làm nhiệm vụ tại Ban kiểm soát DAB, Nguyễn Thị Cúc (nguyên trưởng ban), Phan Thị Tố Loan và Nguyễn Vinh Sơn (cùng là thành viên chuyên trách) đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, để Trần Phương Bình và các bị can đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.
Kiểm toán bị "bịt mắt"?
Quá trình điều tra, CQĐT còn phát hiện Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên DAB lập khống hồ sơ che giấu âm quỹ tiền, vàng để đối phó với kiểm toán độc lập và thanh tra, kiểm tra của NHNN.
Cụ thể, từ năm 2008-2014, vào dịp cuối năm hoặc giữa năm, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền, vàng; hợp đồng ủy thác đầu tư khống; hạch toán mua bán vàng khống; lập chứng từ điều vốn khống từ hội sở về các chi nhánh, phòng giao dịch và ngược lại sau khi đã kiểm toán hoặc thanh tra kiểm tra xong.
CQĐT xác định, hành vi trên không gây thiệt hại cho DAB nên không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với Trần Phương Bình và các đối tượng liên quan về hành vi che giấu quỹ âm.
Đối với hoạt động kiểm toán, CQĐT xác định, từ năm 2005- 2014, có 2 công ty thực hiện kiểm toán DAB là công ty TNHH kiểm toán và Dịch vụ tin học và công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Tuy nhiên, 2 công ty này chỉ chứng kiến công tác kiểm quỹ do nhân viên DAB trực tiếp kiểm đếm.
Trước mỗi lần kiểm toán, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên hợp thức hồ sơ che giấu quỹ âm nên số liệu sổ sách luôn cân bằng với số liệu thực tế. Do vậy, các công ty kiểm toán không phát hiện ra việc âm quỹ tiền, vàng.
Theo CQĐT, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các công ty kiểm toán đã thực hiện kiểm toán tại DAB từ năm 2005- 2014.
Về thanh tra, kiểm tra, tài liệu truy tố cho rằng, từ tháng 9-10/2014, Cục 2 thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN đã thanh tra, kiểm tra thực trạng tài chính, kết quả kinh doanh; vốn và thực trạng sở hữu tổ chức tín dụng...
Kết quả phát hiện nhiều sai phạm lớn tại DAB, trong đó có việc âm quỹ 25.000 tỷ đồng và hơn 62.000 lượng vàng so với sổ sách nên đã báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đưa DAB vào diện kiểm soát đặc biệt và chuyển hồ sơ đến CQĐT.