Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế: Chương trình và chính sách rất phức tạp, các bộ, ngành và Chính phủ rất thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 2/6 để làm rõ một số vấn đề về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là một nhiệm vụ quan trọng, làm cơ sở đánh giá, xếp loại cho cán bộ, công chức và các tổ chức trong đánh giá xếp hạng cuối năm, đặc biệt là người đứng đầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và triển khai Nghị quyết số 43 có 5 nhóm giải pháp với những nhiệm vụ hết sức cụ thể và huy động, phân bổ nguồn lực hết sức chi tiết. Trong đó có 14 văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn.

Về chính sách cơ chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ trưởng đã ban hành 11/14 văn bản theo kế hoạch, gồm có 7 nghị định, 1 nghị quyết, 3 quyết định của Chính phủ và 1 văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, có một số văn bản chậm hơn so với tiến độ theo yêu cầu do một số lý do.

Thứ nhất là chương trình và chính sách rất phức tạp, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Trong những chính sách thực hiện trước đó, có chính sách thực hiện chưa tốt, còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Do đó, trong quá trình xây dựng, các bộ, ngành và Chính phủ cũng rất thận trọng để tránh sơ suất và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện bởi vì số tiền rất lớn.

Thứ hai, đây là một nhiệm vụ mới, không có trong kế hoạch dài hạn. Điều này làm nảy sinh ra nhiều công việc mà các bộ, ngành cũng chưa chủ động được.

“Đến thời điểm hiện nay, chúng ta khẳng định tất cả những văn bản cơ chế, chính sách vào cuối tháng 5 này Chính phủ cũng đã ban hành đầy đủ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Về thực hiện các gói hỗ trợ, theo Phó Thủ tướng, tổng gói hỗ trợ chính xác là 347.000 tỷ đồng. Trong đó, 46.000 tỷ đồng để mua vaccine và trang thiết bị y tế. "Hiện nay, dịch đã được kiểm soát cơ bản, do đó việc sử dụng này tùy theo tình hình sắp tới xảy ra, nếu cần có thể chi và sử dụng ngay", Phó Thủ tướng khẳng định.

301.000 tỷ đồng còn lại có thể phân tích theo một số khoản. Khoản thứ nhất là 125.000 tỷ đồng, con số này gồm có 64.000 tỷ đồng là tiền miễn, giảm thuế. Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 để giảm thuế VAT từ tháng 2/2022 từ 10% xuống 8%.

Khoản thứ hai (38.400 tỷ đồng) là về chính sách tín dụng. Có 5 chương trình chính sách đã xây dựng xong và đến thời điểm hiện nay đã giải ngân được 4.586/19.000 tỷ đồng của năm 2022.

"Cùng với xây dựng chính sách, Ngân hàng Chính sách và các bộ, ngành cũng làm rất nhanh và chúng ta cũng giải ngân rất phù hợp và kịp thời", Phó Thủ tướng đánh giá.

Khoản 6.000 tỷ đồng tiếp theo là giảm chi phí cơ hội trong việc giãn tiến độ nộp thuế 135.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi. Chính phủ đã xây dựng 2 nghị định vào tháng 5 về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và giảm một số sắc thuế.

Một khoản nữa là tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà (6.600 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc phân bổ vốn và giao vốn cho các địa phương cũng chưa rõ nên việc triển khai chậm. Thời gian sắp tới, Bộ Tài chính với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các địa phương để thống nhất giải ngân gói này càng sớm càng tốt.

Khoản tiếp theo là 176.000 tỷ đồng thuộc về đầu tư công. Trong đó, có khoản hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng được thực hiện theo Nghị định số 31 hiệu lực từ 20/5/2022. Nghị định này tuy chậm nhưng khi tiến hành quyết toán giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình được tính vào ngày 1/1/2022, các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất tới 2% với đúng ngành nghề mà Nghị định đã quy định, đồng thời quyết toán với Nhà nước thông qua Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Khoản cuối cùng là 134.000 tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho giao thông là 103.000 tỷ đồng. Phó Thủ tướng cho biết, do theo Luật Đầu tư công nên gói này thực hiện chậm.

Chuyên đề