Thua thiệt vì thiếu kinh nghiệm đàm phán hợp đồng

(BĐT) - Thiếu hiểu biết, thậm chí lơ là, chủ quan khi phát sinh tranh chấp hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài là nhược điểm cốt tử, rất dễ khiến các doanh nghiệp (DN) ăn “trái đắng” trong quá trình hội nhập.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

“Tiền mất tật mang”

Câu chuyện một số DN chế biến, xuất khẩu gỗ thuộc dạng nhỏ ở Đồng Nai, Đà Nẵng hơn một năm nay loay hoay đòi đối tác là Công ty Global Home S.R.O (có trụ sở ở Cộng hòa Czech) cả trăm tỷ đồng tiền nợ nhưng bất thành cho thấy tranh chấp thương mại vẫn là điểm yếu của DN Việt Nam.

Thực tế, các DN này đã chịu thiệt thòi ngay từ lúc ký kết hợp đồng, phải chấp nhận nhiều điều khoản bất hợp lý để có được đơn hàng xuất khẩu từ phía Global Home S.R.O. Hậu quả để lại là khi xảy ra tranh chấp thương mại, các DN Việt có thể phải bỏ cuộc và chịu mất số tiền lớn do không đủ khả năng và lợi thế theo đuổi trong các vụ kiện.

Thực ra, các vụ việc tranh chấp thương mại kiểu này mà DN Việt Nam là “nạn nhân” không phải là hiếm, thậm chí còn phát sinh nhiều trong quá trình hội nhập. Theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân (Công ty Luật Vilex Law Firm), có một thực tế là các DN Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các giao dịch thương mại quốc tế nhưng vị thế của các DN trong giao kết và thực hiện hợp đồng vẫn còn khá thấp.

Lý do chủ yếu, theo Luật sư Ngân, là kinh nghiệm đàm phán và ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài còn yếu. DN không nắm rõ các nguyên tắc khi giao kết với khách hàng, không chủ động trong khâu soạn thảo các hợp đồng có giá trị lớn, mà thường do đối tác soạn thảo.

Càng lơ là càng chết

Đa số DN Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt cho các tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh vì thiếu hiểu biết về pháp luật.
Không chỉ trong các hợp đồng xuất khẩu, mà với các hợp đồng nhập khẩu, giới chuyên gia khuyến cáo, các DN Việt Nam cũng nên chọn kỹ đối tác ngoại để nhập khẩu khi ký kết hợp đồng và chuyển tiền đặt cọc để tránh trường hợp đối tác không giao hàng. Thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy số vụ tranh chấp giữa DN Việt Nam với đối tác nước ngoài trong các giao dịch thương mại tăng lên rõ rệt trong vài năm trở lại đây. Riêng giai đoạn 2008 - 2014, VIAC đã giải quyết 539 vụ kiện, trong đó số vụ kiện về hợp đồng mua bán chiếm tỷ lệ hơn 60%. Tranh chấp không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về giá trị.

Trong số các vụ tranh chấp về mua bán hàng hoá quốc tế được đưa ra tại VIAC, có tới trên 80% các vụ tranh chấp mà thoả thuận giữa các bên không quy định luật áp dụng. Trong những trường hợp như vậy, các trọng tài đã phải rất vất vả để xác định luật áp dụng cụ thể trong những trường hợp đó là luật nào và phải giải thích ra sao.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân nhận định, đa số DN Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt cho các tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh vì thiếu hiểu biết về pháp luật. Do đó, khi gặp rủi ro, nhiều DN thường chấp nhận phần thua thiệt. “Đơn cử như trong thời gian tư vấn pháp luật cho các DN xuất nhập khẩu hạt điều, chúng tôi đã gặp không ít các trường hợp không thể khởi kiện do các bên đã ký kết một hợp đồng mua bán với các điều kiện bất lợi”, bà Ngân chia sẻ.

Điều đáng nói, giới chuyên gia lưu ý, đến nay các DN Việt Nam vẫn chưa quen giải quyết tranh chấp bằng hình thức khác, vẫn muốn lựa chọn qua tòa án để giải quyết. Riêng VIAC thụ lý khoảng 150 vụ việc mỗi năm, trong khi một thẩm phán của một tòa án nhân dân mỗi năm thụ lý hơn 100 vụ việc tranh chấp hợp đồng cũng như các tranh chấp khác.

Chuyên đề