Thủ tướng duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện K giai đoạn 2020 - 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện K giai đoạn 2020 – 2022 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K).
Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở I, II của Bệnh viện K vừa được khởi công vào cuối tháng 7/2020, với tổng số vốn đầu tư 750 tỷ đồng, trong đó có 700 tỷ đồng là từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở I, II của Bệnh viện K vừa được khởi công vào cuối tháng 7/2020, với tổng số vốn đầu tư 750 tỷ đồng, trong đó có 700 tỷ đồng là từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Mục tiêu của Đề án này là nhằm hạn chế tối đa tình trạng lạm thu các dịch vụ, thuốc, vật tư, xét nghiệm không cần thiết để tăng thu; giảm tỷ lệ giường bệnh điều trị theo yêu cầu; tiết kiệm chi từ bảo hiểm y tế và từ người bệnh.

Đồng thời, việc thực hiện Đề án thí điểm tự chủ sẽ giúp Bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB); tiến tới thực hiện việc chăm sóc toàn diện, giải quyết tình trạng quá tải; từng bước xây dựng Bệnh viện hiện đại ngang tầm với các bệnh viện uy tín trong khu vực và trên thế giới, thực hiện tốt vai trò bệnh viện tuyến cuối trong chuyên khoa ung bướu.

Đề án còn hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu KCB và các hoạt động chuyên môn khác của Bệnh viện. Quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản của Bệnh viện, không để thất thoát, lãng phí. Thực hiện quản trị bệnh viện theo hướng hiện đại, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn diện hoạt động của Bệnh viện, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Theo Đề án, Bệnh viện sẽ được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; tự chủ về đầu tư, mua sắm và quản lý tài sản; tự chủ về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế.

Trong đó, về tổ chức bộ máy và nhân sự, Hội đồng quản lý bệnh viện (HĐQL) là cơ quan quản lý cao nhất của Bệnh viện, gồm 11 thành viên. Khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định Chủ tịch và thành viên HĐQL trên cơ sở đề xuất của Bệnh viện K. Trong thời hạn 6 tháng, HĐQL quyết nghị trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn: Quy chế hoạt động của HĐQL, thành viên HĐQL, Giám đốc, Phó Giám đốc bệnh viện.

Về đầu tư, mua sắm và quản lý tài sản, Bệnh viện sẽ tự chủ việc đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (bao gồm đầu tư công), quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị quyết 33.

Về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế, Bệnh viện sẽ thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công và Nghị quyết 33; Phân phối kết quả tài chính trong năm đảm bảo công khai, minh bạch, tăng tỷ lệ trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ hỗ trợ người bệnh; được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Chuyên đề