Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Áo. Ảnh: VGP |
Diễn đàn do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Liên bang Áo (VKO) tổ chức, với sự tham dự của khoảng gần 200 doanh nghiệp hai nước, trong đó có khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, năng lượng tái tạo, công nghệ, phát triển hạ tầng, y tế...
Chủ tịch VKO Herald Mahrer bày tỏ, VKO rất quan tâm tới các đánh giá về triển vọng phát triển của Việt Nam, thấy rằng, đối với Áo, thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng và nhiều công ty Áo đã tận dụng cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ông cho biết, VKO đã quyết định mở văn phòng đại diện khu vực tại Việt Nam, sau đó, VKO sẽ mời đoàn doanh nghiệp Áo sang thăm Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng đây là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Áo lớn nhất từ trước đến nay. Sự kiện có ý nghĩa quan trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang tiến tới ký kết chính thức. Ông Lộc cho biết, VCCI đã phối hợp chặt chẽ với VKO xây dựng kế hoạch hợp tác để đón đầu EVFTA, trong đó có việc thành lập hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam-Áo. Chủ tịch VCCI cũng hy vọng sau khi VKO mở văn phòng đại diện tại Việt Nam thì sẽ có nhiều doanh nghiệp Áo đầu tư vào Việt Nam.
Chứng kiến đông đảo doanh nghiệp dự Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đông doanh nghiệp thì cơ hội thành công. Niềm vui nữa là trước Diễn đàn này, Phòng Thương mại Liên bang Áo quyết định mở một văn phòng đại diện khu vực châu Á đặt tại Việt Nam. Thủ tướng cho biết, tại cuộc làm việc với Thủ tướng trước thềm Diễn đàn, một số nhà đầu tư Áo đã quyết định mở văn phòng tại Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư Áo hợp tác với Việt Nam, cùng làm ăn và thành công tại Việt Nam.
Ảnh: VGP
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin đến các nhà đầu tư Áo về tiềm năng và cơ hội đầu tư cụ thể tại Việt Nam. Đáng chú ý, kinh tế liên tục tăng trưởng cao hơn 30 năm qua và năm nay tăng trưởng khoàng 7%. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng này để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam còn là thị trường lớn với gần 100 triệu dân, 65% lao động của Việt Nam là lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Tỉ lệ người dân sử dụng internet và điện thoại thông minh lớn, mở ra cơ hội lớn cho thương mại điện tử.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nếu như năm 2006, Việt Nam đứng thứ 77 thì đến năm 2017, đã lên vị trí thứ 55. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) về chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh (DB), Việt Nam đứng thứ 68 năm 2017 trong khi năm 2007 còn ở vị trí 104.
Nêu lên các tiềm năng đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Áo đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là chế biến nông sản với nhiều tiềm năng xuất khẩu; đầu tư vào khu công nghệ cao bằng công nghệ tiên tiến của Áo; đầu tư vào cơ sở hạ tầng, du lịch...
“Sau đây đề nghị các bạn ngồi lại với nhau cùng thảo luận để gặp nhau, các loại hình doanh nghiệp cả Nhà nước và tư nhân, biện pháp hợp tác thời gian tới”, Thủ tướng bày tỏ và cho biết, các doanh nghiệp nhà nước sẵn sàng bán cổ phần cho các nhà đầu tư Áo nếu có đủ tiềm lực, kể cả trong các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp hai nước. Ảnh: VGP
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó có Thỏa thuận hợp tác song phương, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ và vận động triển khai EVFTA giữa VKO và VCCI
Trước đó, Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu của Áo; tiếp ông Ernst Wastler, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Vamed và ông Tào Ngọc Tú, Chủ tịch Tập đoàn Tân Việt.