Thủ tục hành chính bó cứng dòng chảy thuốc, thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (VT-TTBYT) xảy ra từ đầu năm đến nay vẫn chưa được giải quyết, theo nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chủ yếu do vướng mắc trong thực thi chính sách pháp luật, văn bản hướng dẫn dưới luật của ngành y tế còn nhiều điểm nghẽn. Nếu như không nhanh chóng khắc phục, tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2023, thậm chí năm 2024.
Doanh nghiệp kêu thủ tục hành chính gây khó khăn nên doanh nghiệp không có hàng hóa tham dự thầu và cung ứng kịp thời cho bệnh viện. Ảnh: Tiên Giang
Doanh nghiệp kêu thủ tục hành chính gây khó khăn nên doanh nghiệp không có hàng hóa tham dự thầu và cung ứng kịp thời cho bệnh viện. Ảnh: Tiên Giang

Tắc ở giấy phép

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, VT-TTBYT, theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, là do không có nhà thầu hoặc nhà thầu không tham dự thầu vì hàng hóa không hợp lệ, không hấp dẫn về lợi nhuận.

Về phía doanh nghiệp (DN) cung ứng, bà Trần Ngọc Ánh, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) chia sẻ, hiện có nhiều điểm nghẽn về thủ tục hành chính (TTHC) gây khó khăn cho DN, nên DN không có hàng hóa tham dự thầu và cung ứng kịp thời cho bệnh viện.

Cụ thể nhất là việc gia hạn giấy phép nhập khẩu (GPNK), giấy đăng ký lưu hành (ĐKLH) VT-TTBYT. Hiện có khoảng 1.300 hồ sơ xin GPNK đã nộp từ năm 2020 đến trước ngày 1/1/2022 và khoảng 4.000 hồ sơ ĐKLH VT-TTBYT loại C, D theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, nhưng đến nay chưa được Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt cấp phép. Tương tự, nhiều hồ sơ đăng ký kê khai giá của DN bị tồn đọng kéo dài, chưa được Bộ Y tế giải quyết để công bố trên Cổng thông tin của Bộ, khiến các bên mời thầu không có căn cứ để lựa chọn nhà thầu.

Những bất cập này đã được lãnh đạo Bộ Y tế và Chính phủ nhận diện, yêu cầu rà soát, điều chỉnh, sửa đổi đồng bộ hệ thống pháp luật. Tại Nghị quyết 144/NQ-CP, Chính phủ đã cho phép sửa đổi Luật Dược; Nghị định 98/2021/NĐ-CP, Thông tư 14/2020/TT-BYT, Thông tư 15/2019/TT-BYT liên quan đến thuốc, VT-TTBYT có điều khoản về đơn giản hóa TTHC trong việc cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy ĐKLH.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tiến độ tháo gỡ vướng mắc về TTHC, thể chế còn chậm, không đáp ứng được nhu cầu mua sắm của ngành y tế.

“Nhiều loại giấy phép của thuốc, VT-TTBYT sẽ đồng loạt hết hạn vào ngày 31/12/2022. Nếu không được gia hạn kịp thời, DN sẽ không thể nhập khẩu, gây thiếu nguồn cung để phục vụ công tác khám, chữa bệnh từ ngày 1/1/2023 trở đi”, bà Ánh lo ngại.

Trước mắt, USABC kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc cách trong cấp GPNK, ĐKLH cho thuốc, VT-TTBYT, cho phép gia hạn hiệu lực của các loại giấy phép đã được cấp đến ngày 31/12/2023. Về lâu dài, cần hướng đến đơn giản hóa TTHC, kéo dài thời hạn cấp phép từ 6 - 8 năm như một số nước trong khu vực (Singapore, Malaysia…), hay cho phép tự động gia hạn nếu thuốc, VT-TTBYT đã đảm bảo tính ổn định và an toàn.

Tắc ở cửa khẩu

Bên cạnh TTHC, DN còn gặp khó khăn vì sự “vênh nhau” giữa quy định và cách hiểu của các bộ, ngành.

Chẳng hạn thủ tục kê khai hải quan VT-TTBYT, mặc dù Nghị định số 98/2021/NĐ-CP đã bãi bỏ thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh xác nhận nội dung quảng cáo VT-TTBYT (tức là cấp giấy xác nhận hàng hóa là VT-TTBYT), nhưng theo bà Trần Ngọc Ánh, các cơ quan hải quan địa phương vẫn coi bông, băng, gạc là hàng hóa thông thường, đòi DN phải chứng minh các mặt hàng này là VT-TTBYT, hay máy đo đường huyết có phải là VT-TTBYT đo chỉ số sống hay không… Điều này khiến DN phải mất 5 - 6 tháng để giải trình, thậm chí “kêu cứu” các hiệp hội, bộ, ngành.

Năm 2021 có 40 triệu USD tiền hàng thuốc, VT-TTBYT bị giữ tại cửa khẩu. Trong thời gian chờ đợi giải quyết vướng mắc trong thủ tục kê khai hải quan, số hàng đó phải lưu kho với chi phí lên tới gần 5 tỷ đồng, chưa kể DN còn bị phạt hợp đồng vì chậm giao hàng đã trúng thầu. Thậm chí, DN còn có nguy cơ bị kết tội gian lận thương mại và đưa vào “danh sách đen” đối tượng cần kiểm tra 100% hàng hóa thông quan.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn chất lượng ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật và có chế tài đủ mạnh để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm trễ xử lý và trả lời vướng mắc của DN.

Chuyên đề