Uber được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh:Bloomberg |
Tại dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Bộ Giao thông Vận tải muốn bổ sung quy định cho phép đơn vị kinh doanh vận tải điều hành xe thông qua phần mềm kết nối giữa trung tâm điều hành với lái xe và hành khách, thay thế cho việc điều hành thông qua bộ đàm và trung tâm liên lạc.
Dự thảo nghị định cũng cho phép kinh doanh vận tải được sử dụng hợp đồng điện tử, song trước khi thực hiện phải báo cáo thông qua phần mềm các thông tin liên quan chuyến đi...
Tại buổi tọa đàm về đổi mới kinh doanh vận tải chiều 2/6, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải (Bộ Giao thông) cho biết, nội dung trên của dự thảo nếu được thông qua thì xe Grab, Uber được phép sử dụng hợp đồng điện tử. Hoạt động của họ vì thế sẽ thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đang nói rằng Uber, Grab trốn thuế lớn, cạnh tranh bất bình đẳng. Trước thực tế này, ông đề xuất nội dung dự thảo Nghị định 86 sửa đổi phải siết chặt quản lý và thu thuế loại hình này.
"Các đơn vị vận tải kiến nghị phải được kinh doanh bình đẳng, nếu hạn chế taxi truyền thống thì phải hạn chế Grab, Uber; hạn chế xe khách vào bến thì phải hạn chế xe hợp đồng, không phải bên dễ dãi bên khắt khe", ông Thanh nói.
Trước ý kiến của ông Thanh, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, không chỉ Uber, Grab mà tất cả loại xe ứng dụng công nghệ đều phải đăng ký kinh doanh. Các cơ quan chức năng không thể tuần tra xử phạt liên tục, nhưng khi phát hiện sẽ xử phạt nặng, nếu trốn thuế sẽ rút giấy phép ngay. Tuy nhiên hiện việc xử lý các vi phạm chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe.
"Việc quản lý tài chính của cơ quan nhà nước với Uber, Grab hiện còn mập mờ gây tranh cãi. Tới đây, Bộ Giao thông sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để quản lý thuế hiệu quả hơn", ông Thọ nói.