Thu ngân sách nhà nước trông đợi sự hồi phục kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong nửa đầu năm nay, thu nội địa chật vật do phần lớn các khoản thu, sắc thuế đều giảm so với cùng kỳ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh. Đà giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) có thể gây căng thẳng cho nỗ lực thực hiện các cân đối kinh tế vĩ mô. Do đó, bên cạnh việc cân đối lại nguồn chi do thu NSNN giảm, cần nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng thu bền vững trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước trong 6 tháng đầu năm giảm 21%. Ảnh: Lê Tiên
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước trong 6 tháng đầu năm giảm 21%. Ảnh: Lê Tiên

Thu từ xuất nhập khẩu giảm mạnh, thu nội địa hụt hơi vì đất

Sáu tháng đầu năm, thu NSNN ước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán cả năm 2023. Mức thu này giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022 và tỷ lệ hoàn thành dự toán cũng thấp hơn đáng kể so với con số 67,4% của cùng kỳ năm 2022.

Bộ Tài chính chỉ ra một số nguyên nhân làm chậm tiến độ thu NSNN, bao gồm: hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm; tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến; thị trường xuất khẩu sụt giảm; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn...

Về thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm, ngành hải quan mới chỉ thu đạt 183.744 tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Hải quan, khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước khiến tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước trong 6 tháng đầu năm giảm 21%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 53,3 tỷ USD, giảm 21% và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 3,2 tỷ USD, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về thu nội địa, Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng đầu năm, số thu này đạt 712.386 tỷ đồng, bằng 53,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 94,7% cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thu tiền sử dụng đất và thu thuế, phí nội địa đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể: thu tiền sử dụng đất ước đạt 47.596 tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, bằng 43,2% so cùng kỳ 2022; số thu thuế, phí nội địa ước đạt 577.893 tỷ đồng, bằng 54% so với dự toán pháp lệnh, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thuế cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, phát sinh đột biến thu chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước trên 20 nghìn tỷ đồng, thu khác ngân sách phát sinh đột biến khoảng trên 8,7 nghìn tỷ đồng, thu nợ một số dự án lớn (Dự án Vinhomes Hưng Yên, Dự án Formosa Hà Tĩnh,…) trên 6,5 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ các khoản thu trên thì thu nội địa lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 78,3% so cùng kỳ năm trước, theo đó, phần lớn khoản thu, sắc thuế đều giảm so cùng kỳ.

Sáu tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước ước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán

Sáu tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước ước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán

Cân đối thu chi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ cuối năm của ngành tài chính mới đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, làm cách nào giữ được cân đối thu - chi NSNN, nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đòi hỏi những nỗ lực lớn.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, những tháng đầu năm 2023, kinh tế tăng trưởng chậm lại đã tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. “Thu NSNN giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tính chung vẫn đạt 54%, bảo đảm tiến độ thu so với dự toán. Tuy nhiên, đây là yếu tố phải tính đến trong xây dựng dự toán ngân sách năm 2024”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thu NSNN trong nửa đầu năm giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhưng chưa đến mức quá đáng lo do cán cân ngân sách vẫn giữ được trạng thái thặng dư (hơn 71 nghìn tỷ đồng) và đã có một số điểm tích cực có thể kỳ vọng sự phục hồi kinh tế giúp cải thiện nguồn thu trong nửa cuối năm nay.

Đơn cử, sau đà sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay, thu ngân sách từ đất có thể sẽ tăng trở lại sau khi các địa phương được phê duyệt quy hoạch và thúc đẩy giao đất, đấu giá đất. Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trong tháng 6 đã có bước tiến đáng kể so với tháng 5, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ và Trung Quốc đã có tín hiệu phục hồi nên có thể kỳ vọng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm nay, giúp cải thiện tổng thu NSNN.

Tuy nhiên, nửa cuối năm nay vẫn còn nhiều nghi ngại về tình hình sản xuất, kinh doanh chưa hết khó khăn khiến doanh nghiệp lỗ nhiều hơn, thu nhập của người dân cũng giảm sút nên thu từ các khoản thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến sẽ giảm.

“Do thu NSNN khó khăn nên bài toán cân đối lại nguồn chi, xem xét lại mức bội chi là cần thiết để bảo đảm cán cân NSNN an toàn và ổn định. Khi nỗ lực tăng thu NSNN trong ngắn hạn gặp khó thì điều quan trọng là phải tăng cường kiểm soát chi, để các khoản chi thực sự mang lại hiệu quả. Đồng thời, cần triển khai tích cực các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục, tăng trưởng tích cực để tạo nguồn thu bền vững trong thời gian tới”, ông Việt nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, thu NSNN giảm chắc chắn sẽ là điểm đáng quan ngại khi tính toán các cân đối vĩ mô năm nay và cả năm sau. Theo đó, nếu thu ngân sách giảm mạnh thì phải tính đến phương án điều chỉnh các chỉ tiêu như chi NSNN, nợ công. Dù vậy, các cơ quan chức năng cũng đã tính đến các phương án tăng thu, kiểm soát chi để bảo đảm an toàn NSNN. Mặt khác, có một số yếu tố tích cực để kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay và năm sau, từ đó hỗ trợ thu NSNN.

Chuyên đề