Ảnh Internet |
Kết luận này đánh ngay vào tâm lý người tiêu dùng bấy lâu vẫn luôn nơm nớp lo sợ về chất lượng thực phẩm. “Vượt ngưỡng cho phép” là một cụm từ mang tính “kết án”, khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng.
“Cuộc chiến” nước mắm
Theo số liệu của Euromonitor, quy mô thị trường nước mắm Việt Nam năm 2015 lên tới 11.300 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2014. Nước mắm công nghiệp chiếm 76% thị phần, tương đương 8.500 tỷ đồng, còn lại là nước mắm truyền thống - khoảng 2.800 tỷ đồng. Tuy chiếm phần lớn thị phần, xu hướng tiêu dùng hiện tại lại cho thấy nước mắm truyền thống có tốc độ tăng trưởng cao hơn nước mắm công nghiệp (16% so với 12% trong giai đoạn 2012 - 2015).
Theo thống kê, Masan vẫn đang là doanh nghiệp đứng đầu thị phần nước mắm cả nước. Năm 2015, doanh nghiệp này với 2 sản phẩm nước mắm công nghiệp là Nam Ngư và Chinsu đang chiếm 57,7% thị phần, tương đương 6.520 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Unilever Vietnam với nước mắm Knorr, chiếm 17,09% thị phần, tương đương 1.930 tỷ đồng. Đây cũng là nước mắm công nghiệp. Các doanh nghiệp còn lại chia nhau 25,21% thị phần.
Nước mắm truyền thống là loại nước mắm được làm từ 2 nguyên liệu chính cá và muối, được lên men chung với nhau trong một thời gian dài. Nước mắm công nghiệp được sản xuất bằng cách lấy nước mắm truyền thống pha trộn với các loại hương liệu, phụ gia, chất bảo quản…
Quy trình sản xuất khác nhau, chi phí khác nhau (chi phí sản xuất nước mắm truyền thống cao hơn hẳn nước mắm công nghiệp), chất lượng 2 loại nước mắm này cũng khác biệt. Người tiêu dùng tùy vào sở thích ăn uống mà chọn sản phẩm phù hợp. Cuộc tranh cãi nước mắm nào tốt hơn có lẽ mãi mãi sẽ không có câu trả lời.
Tuy nhiên, cạnh tranh giữa 2 loại sản phẩm là không thể tránh được. Đặc biệt là khi nước mắm công nghiệp đang có tốc độ phát triển thua kém, và người tiêu dùng đang quay về với nước mắm truyền thống. Thị trường nghìn tỷ luôn là miếng mồi béo bở mà ai cũng muốn làm chủ.
Thông tin minh bạch
Như vậy, kết quả nghiên cứu của Vinatas hầu như không có giá trị thông tin, mà chỉ khiến người tiêu dùng thêm hoang mang. Sau khi kết quả này được công bố, người tiêu dùng gần như ngay lập tức tỏ ra e ngại với các sản phẩm nước mắm truyền thống với độ đạm cao. Thông tin có lợi cho doanh nghiệp nào không khó để dự đoán.
Điều người tiêu dùng cần biết là thông tin sản phẩm minh bạch, là chất gây hại cho sức khỏe được “chỉ mặt đặt tên” từ đó có quyết định sử dụng đúng đắn.
Trong cuộc gặp gỡ gần đây, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH Milk cho biết, là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, TH Milk không cần cơ chế ưu đãi nào riêng biệt cả. Điều cần thiết với TH Milk cũng như các doanh nghiệp sữa là một quy chuẩn các loại sữa cụ thể, chi tiết. Thông tin các loại sữa vì vậy cũng trở nên minh bạch, giúp người tiêu dùng lựa chọn và giúp các doanh nghiệp giảm chi phí quảng cáo. Các loại sữa trên thị trường hiện nay đang bị lẫn lộn, đánh tráo các khái niệm.
Nhập nhèm thông tin chính là thứ rào cản vô hình đang “giết chết” nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hiện nay nhiều người tiêu dùng, thay vì căn cứ vào các thông tin chính thống, có giá trị từ các cơ quan chức năng, lại đang trở thành “nhà hóa học” một cách bất đắc dĩ để bảo vệ bản thân và gia đình.