Việt Nam cần có lộ trình để đảm bảo thực hiện các điều kiện, thủ tục quản lý tương ứng trong quá trình mở cửa đối với hoạt động đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên |
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sửa đổi hệ thống luật pháp, khắc phục những bất cập về chính sách trong thu hút FDI, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là việc làm cần thiết, song việc sửa đổi, bổ sung cũng cần phải bảo đảm tính hiệu quả của các công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Theo đó, phải có cơ chế để giải quyết được yêu cầu về thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng của Chính phủ. Và trong một số trường hợp bất thường, cơ quan quản lý nhà nước có thể dùng các công cụ quản lý để can thiệp.
Cụ thể, cơ quan quản lý có thể từ chối dự án, nhà đầu tư hoặc địa điểm không khuyến khích đầu tư. Việc làm này dựa trên các tiêu chí về an ninh - quốc phòng, môi trường, quy hoạch, điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài và được quy định cụ thể tại các luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, các quy định của pháp luật về an ninh - quốc phòng, các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Lý do của việc cần phải có các quy định nêu trên, theo Cục Đầu tư nước ngoài là để tránh khiếu kiện quốc tế do việc từ chối cấp phép đầu tư vì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cho phép nhà đầu tư có quyền kiện tiền đầu tư (trước cấp phép).
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tại các quốc gia phát triển, việc quản lý đầu tư nước ngoài được thực hiện thuận lợi do họ có hệ thống văn bản chuyên ngành làm hàng rào kỹ thuật chặt chẽ; đồng thời, có bộ máy thực thi hiệu quả, thống nhất. Việt Nam chưa chuẩn bị tốt cả hai yếu tố này nên cần có lộ trình để đảm bảo thực hiện các điều kiện, thủ tục quản lý tương ứng trong quá trình mở cửa đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.
Giao một đầu mối chịu trách nhiệm
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc sửa đổi chính sách đầu tư nước ngoài thời gian tới cần có quy định để có đầu mối quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương đối với các doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ giao về một đầu mối chịu trách nhiệm, quy trình thực hiện nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện. Mục đích của việc thống nhất này là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, đồng thời giảm thủ tục, thời gian, giấy tờ, cơ quan đầu mối cho nhà đầu tư.
Về quyết định chủ trương đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cần có quy định riêng với dự án có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng không quy định phải có quyết định chủ trương đầu tư mà chỉ cần có sự chấp thuận chủ trương của cấp có thẩm quyền đối với từng loại dự án (của Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ, của UBND cấp tỉnh).
Bên cạnh đó, quy định về thời hạn của dự án đầu tư nước ngoài không nên áp dụng đại trà cho mọi dự án, mà sẽ theo từng loại dự án. Vì vậy, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để hạn chế thời hạn hoạt động của một số dự án và cần xây dựng nguyên lý gia hạn thời hạn hoạt động của dự án...