Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%, BoJ bác bỏ khả năng rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng trong tương lai gần. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí gia tăng còn lợi nhuận giảm sút, vấn đề cấp thiết đặt ra cho BoJ là ngân hàng này còn có thể duy trì chính sách tiền tệ lỏng trong bao lâu nữa.
Phần lớn trong số chín thành viên ban điều hành và quan chức tham gia vào việc hoạch định chính sách tiền tệ của BoJ đều cảm thấy rằng bước đi tiếp theo sẽ là rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng của Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda, khi nền kinh tế đang bước sang giai đoạn phục hồi.
Nhiều nhân vật có tiếng nói của đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã cảnh báo cái giá ngày càng tăng của việc kéo dài chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong khi đó, các đảng đối lập, trong đó có đảng Hy vọng của Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, muốn chấm dứt tình trạng quá phụ thuộc vào chính sách tiền tệ.
Nguồn tin thân cận với BoJ cho biết ngân hàng này có thể sẽ bị yêu cầu phải giải trình trước quốc hội cách thức “thoát ly” khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng. Các quan chức của BoJ đang soạn thảo một kế hoạch thoái lui khỏi chương trình kích thích kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng mà không tạo ra cảm giác rằng ngân hàng này đang bắt đầu thắt chặt tiền tệ.
Trên thực tế BoJ đã tiến hành giai đoạn đầu tiên của kế hoạch nói trên bằng cách cắt giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình xuống mức khoảng 50.000 tỷ yen (443 tỷ USD) mỗi năm, thấp hơn mức cam kết (khoảng 80.000 tỷ yen). Bước đi tiếp đến có lẽ sẽ là tăng lãi suất dài hạn mà BoJ lâu nay vẫn giữ ở quanh mức 0%./.