Thị trường tài chính Mỹ hút vốn ngoại nhiều chưa từng thấy

0:00 / 0:00
0:00
Theo Wall Street Journal, giới đầu tư toàn cầu đang ồ ạt rót tiền vào các tài sản tài chính của Mỹ, dấu hiệu cho thấy niềm tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục phục hồi tốt hơn so với các quốc gia khác sau đại dịch Covid-19...
Dòng tiền dồi dào giúp chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục thời gian qua - Ảnh: AFP
Dòng tiền dồi dào giúp chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục thời gian qua - Ảnh: AFP

Dữ liệu từ Refinitiv Lipper cho thấy đầu tư ròng của khối ngoại vào các quỹ tương hỗ (mutual fund) và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tại Mỹ đạt hơn 900 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Đây là con số lớn nhất thể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thống kê năm 1992 và cao hơn vốn đầu tư vào các quỹ tại các quốc gia khác trên thế giới cộng lại trong 6 tháng năm nay.

Dòng tiền dồi dào giúp chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục thời gian qua, qua mặt nhiều chỉ số chính tại thị trường châu Á hoặc châu Âu. Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 17% kể từ đầu năm lên mức cao nhất mọi thời đại, trong khi chỉ số DAX của Đức tăng 14%, Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 2,2%, còn chỉ số Nikkei của Nhật gần như “giậm chân tại chỗ”.

Tuy nhiên, dòng vốn đổ vào các quỹ của Mỹ có xu hướng giảm trong tháng 6 khi chỉ đạt khoảng 15 tỷ USD, giảm từ mức 168 tỷ USD hồi tháng 5. Đây cũng là tháng đầu tiên vốn ngoại giảm xuống dưới mức 100 tỷ USD kể từ tháng 1/2021. Trong khi đó, vốn chảy vào các quỹ nước ngoài đạt hơn 93 tỷ USD, tăng từ mức 84 tỷ USD của tháng 5.

Theo các nhà đầu tư, các biến thể Covid-19, lạm phát và những thay đổi trong chính sách của Cục Dự trữ liên bang (Fed) có thể làm chậm quá trình phục hồi của Mỹ, sẽ khó có chuyện nền kinh tế lớn nhất thế giới đi chệch hướng, kể cả khi các nước khác phải vật lộn với chiến dịch tiêm vaccine hay những đợt bùng phát dịch mới.

Sau các phiên giao dịch biến động gần đây, tuần này, các nhà đầu tư chuẩn bị đón thông tin về báo cáo lợi nhuận của các công ty như Apple, McDonald’s, Waste Management…, cũng như kết quả cuộc họp quan trọng dự kiến diễn ra vào thứ Tư (28/7) của Fed.

Thời gian qua, các chính sách kích thích tiền tệ và tài khóa đã thúc đẩy làn sóng tiết kiệm tăng cao và nhiều người tin rằng Mỹ vẫn là nơi tốt nhất để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu cũng như các tài sản khác.

Goldman Sachs dự báo các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rót thêm 200 tỷ USD nữa vào chứng khoán Mỹ trong năm nay, sau khi rót 712 tỷ USD năm ngoái. Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, tháng 5, giá trị trái phiếu Mỹ trong tay khối ngoại đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

“Kinh tế Mỹ đang có khởi đầu thuận lợi trên con đường phục hồi sau đại dịch Covid-19”, Jack Janasiewicz, nhà quản lý danh mục kiêm chiến lược gia tại hãng quản lý tài sản toàn cầu Natixis Investment Managers, nhận định. “Các nhà đầu tư rất lạc quan và theo chúng tôi đây là lý do thị trường đi lên”.

Theo khảo sát của Wall Street Journal, các nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm nay - cao hơn mức dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hầu hết các nền kinh tế phát triển và mới nổi, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU), Anh và Nhật Bản. Điều này sẽ tạo ra sự mất cân bằng và khiến trái phiếu Mỹ trở nên tương đối hấp dẫn với các nhà đầu tư toàn cầu. Điều tương tự cũng từng xảy ra vào giai đoạn khủng hoảng tài chính, khi tăng trưởng chậm nhưng ổn định của Mỹ vẫn cao hơn so với các nền kinh tế khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng dòng vốn thường chạy theo những công ty dẫn đầu trên thị trường và việc đặt cược vào tăng trưởng của Mỹ có thể làm giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư. Theo FactSet, các công ty trong nhóm S&P 500 hiện giao dịch ở mức giá gấp khoảng 28 lần so với lợi nhuận 12 tháng qua. Con số này gần tương đương mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2000.

Matt Dmytryszyn, Giám đốc đầu tư tại Telemus Capital, cho biết chứng khoán Mỹ đang chứng tỏ khả năng phục hồi, nhưng quỹ của ông đang bắt đầu chốt lời một phần và cân nhắc tăng danh mục tại châu Âu.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, lợi nhuận hấp dẫn vẫn sẽ thu hút thêm vốn đầu tư vào chứng khoán Mỹ thời gian tới. Khảo sát của Bank of America cho thấy, trong tháng 7, các nhà quản lý quỹ toàn cầu lạc quan về chứng khoán Mỹ, trong khi giảm bớt lạc quan về chứng khoán khu vực EU và các thị trường mới nổi.

Chuyên đề