Thị trường nội địa phục hồi ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2022 đến nay, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, doanh nghiệp (DN) tại một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, hàng không, vận tải… đã có sự phục hồi ấn tượng. Đặc biệt, thị trường nội địa của DN đã phục hồi trên 75% đến 85% so với thời điểm trước dịch.
Du lịch là một trong những ngành kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Internet)
Du lịch là một trong những ngành kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Internet)

Du lịch đang tận dụng cơ hội để phục hồi sau đại dịch, với thị trường nội địa phục hồi gần 100%, đặc biệt là sự bùng nổ của du lịch nội địa trong quý II năm nay do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2022 ước tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng doanh thu tháng 7 tăng 134,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nửa đầu năm 2022, doanh thu du lịch lữ hành tăng 94,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số tỉnh có sức tăng ấn tượng như: Khánh Hòa tăng hơn 600%, Cần Thơ gần 200% và Hà Nội tăng 130%. Trong khi đó, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602 nghìn lượt, gấp 6,8 lần so với nửa đầu năm 2021.

Thị trường vận tải ngành hàng không nội địa đã bắt đầu phục hồi, có lúc gần đạt các chỉ số cơ bản về khai thác hành khách và hàng hóa so với trước dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các hãng hàng không đã tổ chức khai thác hơn 140 nghìn chuyến bay, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021, phục hồi gần 85% so với thời điểm 6 tháng đầu năm 2019.

Tương tự, ngành sản xuất công nghiệp cũng phục hồi tích cực, thể hiện qua Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở mức cao trong 6 tháng liên tiếp (tháng 2 tăng 9,2%, tháng 3 tăng 9,1%, tháng 4 tăng 10,7%, tháng 5 tăng 9,5%, tháng 6 tăng 9,1% và ước tháng 7 tăng 11,2%).

Với ngành xây dựng, một số DN có doanh số và sản lượng trong nửa đầu năm nay tăng đến 300% so với cùng kỳ năm trước…

Khảo sát về triển vọng kinh doanh cho thấy, niềm tin đầu tư kinh doanh của DN tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. Cụ thể, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh trong quý II/2022 của Tổng cục Thống kê đối với các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có 42,1% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2022; 36,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,6% số DN đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến, quý III/2022, có 49,2% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2022; 35,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 15,0% số DN dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực DN ngoài nhà nước lạc quan nhất với 85,5% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn và giữ ổn định so với quý II; tỷ lệ này ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nhà nước lần lượt là 84,3% và 82,4%.

Tuy vậy, các hiệp hội, DN cũng nhận định, kết quả 7 tháng đầu năm đối với một số ngành hàng chưa đạt được như kỳ vọng. Đặc biệt, tình hình sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm 2022 dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn cung và cầu do tác động bởi dịch Covid-19; xung đột Nga - Ukraina diễn biến phức tạp, có nguy cơ kéo dài; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu tăng cao; thiếu hụt lao động; lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới…

Chuyên đề