Thị trường “chật chội”, ngành hàng không chưa hết khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sớm kiểm soát được dịch Covid-19 trong nước đã giúp ngành hàng không có mức hồi phục đáng kể về lưu lượng vận chuyển hành khách nhờ các tuyến nội địa. Tuy nhiên, trước một thị trường “chật chội”, tình hình kinh doanh của các hãng hàng không chỉ thực sự được cải thiện khi các tuyến bay quốc tế được mở lại.
Chi phí di chuyển bằng đường hàng không giảm khi các hãng cạnh tranh khai thác nội địa. Ảnh: Lê Tiên
Chi phí di chuyển bằng đường hàng không giảm khi các hãng cạnh tranh khai thác nội địa. Ảnh: Lê Tiên

Thị trường thu hẹp

Là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, ngành hàng không đã phải trải qua một năm kinh doanh tiêu cực, đặc biệt là quý II và đầu quý III/2020 khi thực hiện giãn cách xã hội.

Sự phục hồi sau đó phụ thuộc lớn vào thị trường nội địa khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát chặt chẽ, không để có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, chi phí di chuyển bằng đường hàng không giảm mạnh khi các hãng hàng không cạnh tranh khai thác tuyến nội địa do không vận hành được các tuyến quốc tế.

Thay vì con số lỗ ước tính ban đầu hơn 14.400 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới đây cho biết con số lỗ ước tính cả năm giảm được 2.400 tỷ đồng, xuống còn 12.000 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không như Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco cũng đã công bố tình hình kinh doanh quý IV/2020 với lợi nhuận sau thuế âm 25,4 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ cả năm lên 54 tỷ đồng, Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài ước tính cả năm lỗ 57 tỷ đồng.

Theo báo cáo về ngành hàng không mới nhất được thực hiện bởi Công ty TNHH Chứng khoán Mirea Asset, giá vé thấp giúp đẩy nhu cầu di chuyển bằng máy bay các tuyến nội địa lên mức cao hơn trước dịch. Tuy nhiên, khả năng tăng chuyến các tuyến nội địa có giới hạn do không còn nhiều dư địa để giảm giá vé. Nếu các hãng hàng không tiếp tục giảm giá vé thì hoạt động khai thác không đem lại dòng tiền dương.

Trong khi đó, theo thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, việc mở cửa giao thương vận tải hành khách còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn rất phức tạp, xuất hiện chủng mới và chưa thể khẳng định việc tiêm vaccine trong năm 2021 là bảo đảm an toàn. Đặc biệt là có sự khác biệt về phạm vi, quy mô của việc tiêm vaccine, nên chưa có đủ thông tin để khẳng định có thể mở cửa giao thương vận tải hành khách.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa nền kinh tế với ý nghĩa là giao thương hành khách phải có những bước đi, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán 2021.

Cạnh tranh gay gắt hơn

Thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trở nên gay gắt khi tất cả máy bay đều dồn về khai thác tuyến nội địa để cải thiện dòng tiền.

Báo cáo của Mirea Asset cũng cho biết, Vietjet Air tiếp tục nhận về 11 máy bay mới (6 chiếc A320c và 5 chiếc A321c), nâng tổng số máy bay đang vận hành lên 88 chiếc. Bamboo Airways giảm 2 chiếc A320 nhưng nhận thêm 4 máy bay cỡ nhỏ E195 (124 ghế), nâng số máy bay lên 26 chiếc. Còn Vietnam Airlines và Jetstar là hai hãng bay có số lượng máy bay khai thác giảm so với thời điểm tháng 5/2020, giảm lần lượt từ 105 xuống 99 chiếc (giảm 6 chiếc A321) và 18 xuống 15 chiếc (giảm 3 chiếc A320).

Đặc biệt, sự xuất hiện của “tân binh” Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) khiến bầu trời Việt thêm “chật chội”. Hãng bay mới dự kiến sẽ thực hiện bay thương mại từ giữa tháng 1/2021. Hiện Vietravel Airlines đang có 1 máy bay A321CEO và sẽ sớm nhận thêm 2 máy bay trong thời gian tới.

Theo Mirea Asset, trước một thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, tình hình kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam sẽ khó có thêm sự cải thiện cho đến khi các tuyến quốc tế được mở lại.

Chuyên đề