Thênh thang đại lộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bây giờ, khi ngồi ô tô vi vu trên những tuyến đường cao tốc ở phía Bắc, ùa vào giữa cái cảm giác thênh thang, thấy mình giống như là một cánh chim đang được tiếp thêm gió mạnh, chỉ chực bay lên khỏi hiện thực...
Mạng lưới đường cao tốc của đất nước hôm nay thực sự là một kiến tạo vĩ đại của thời đại mới. Ảnh: Song Lê
Mạng lưới đường cao tốc của đất nước hôm nay thực sự là một kiến tạo vĩ đại của thời đại mới. Ảnh: Song Lê

Có lẽ, chỉ ở lứa tuổi trong ngoài một hoa giáp, vẫn còn đi nhiều, như tôi, thì mới cảm nhận được thật sâu sắc cảm giác này. Cả một thời gian dài dằng dặc, chúng tôi đã từng đi bộ "bò ra" trên khắp các cung đường, và bây giờ thì vẫn đang còn đủ điều kiện để tiếp cận với tốc độ, với giao thông hiện đại. Vì thế mà mình mới đủ để thấy những gì đang bày ra vun vút trước kính lái ô tô thật là không dễ dàng...

Ôi, cảnh tàu xe đường sá gian nan trong những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước. Một chặng hơn trăm cây số Hà Nội về quê tôi ở Thái Bình nhiều khi mất non một ngày. Một cung đường Hà Nội đến Quảng Ninh, rồi ra Móng Cái, Trà Cổ, thì cũng phải đẫy một ngày, đêm phải ngủ lại để sáng hôm sau đi tiếp. Đường từ Hà Nội đến Sơn La và ngược lại, cũng nhiều lần ngủ đêm trên đường. Lên Lào Cai, Sa Pa thì tốt nhất là chọn đi tàu hỏa xình xình va đập vật vã suốt từ đầu đêm đến sáng tinh mơ...

Giờ thì sao? Từ cơ quan, cuối giờ làm, chạy xe về tận làng mình ở quê, chỉ hơn một giờ đồng hồ, thênh thang mấy lối cao tốc Pháp Vân - Phủ Lý, Hà Nội - Hải Dương, rồi nối vào cao tốc Hà - Thái, ăn bữa tối ở quê rồi lên để mai lại đi làm. Từ Hà Nội đi Quảng Ninh, tới Vân Đồn, cũng chưa tới ba tiếng đồng hồ, toàn lao trên cao tốc. Lên Sơn La, Tây Bắc thì theo cao tốc Láng - Hoà Lạc, nối cao tốc tới Hoà Bình mà lên, chỉ năm, sáu giờ xe đi thong dong. Nay mai, có cao tốc Hoà Bình nối với Mộc Châu, Sơn La, thì còn nhanh hơn nữa. Lên Lào Cai, Sa Pa giờ cũng toàn chọn đi ô tô chạy trên đường cao tốc...

***

Hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam bắt đầu được nghiên cứu và xây dựng từ đầu thế kỷ 21. Cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1734/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Sau đó, đến đầu năm 2016, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có những điều chỉnh so với quy hoạch trước đó đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 326/QĐ-TTg. Theo dự báo về nhu cầu giao thông, định hướng phát triển đất nước và phát triển kinh tế của bốn vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2030 thì Quy hoạch này gồm ít nhất 22 tuyến cao tốc (được ký hiệu CT từ 01 đến 22) với tổng chiều dài 6.411 km. Trong đó, 2 tuyến xương sống cao tốc Bắc Nam với tổng chiều dài khoảng 3.083 km gồm: Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông (CT.01) nối từ Thủ đô Hà Nội đến thành phố Cần Thơ, dài 1.814 km và Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây (CT.02) nối từ đất cổ của Vua Hùng - Phú Thọ đến cuối biển Kiên Giang, dài 1.269 km.

Cùng với đó, có các thành phần tiếp nối vào hai tuyến xương sống này là: hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc với 14 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội, tổng chiều dài 1.368 km, với các tuyến, trong đó tuyến Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn 143 km, Hà Nội - Hải Phòng 105 km, Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai 264 km, Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long 176 km, Hạ Long - Móng Cái 128 km, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh 160 km, Đồng Đăng - Trà Lĩnh 144 km… Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến, tổng chiều dài 264 km: Hồng Lĩnh - Hương Sơn 34 km, Cam Lộ - Lao Bảo 70 km, Quy Nhơn - Pleiku 160 km. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 983 km, trong đó tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 200 km, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu 225 km, Cần Thơ - 150 km…

Các đường cao tốc này đều được xây dựng với quy mô từ 4 đến 6 làn, mỗi chiều 2 đến 3 làn và đều được liên kết đến các quốc lộ và các đường cao tốc khác. Tốc độ trên các đường cao tốc đều được thiết kế tối đa từ 100 - 120 km/h. Chỉ hơn 10 năm qua, nhiều tuyến đường cao tốc trong quy hoạch này đã hiện ra đầy thuyết phục trên thực địa. Còn nhiều tuyến đang được xây dựng, đang lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc mới bắt đầu khởi động dự án... Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây (CT.02) với 14 chặng, đã bắt đầu xây dựng một số chặng. Đặc biệt, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông (CT. 01) với 16 chặng thì đã hiện ra rất rõ hình hài với rất nhiều chặng đã xây dựng xong và được đưa vào khai thác.

Trong tháng 9/2020 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã cùng lúc khởi công đồng loạt ba dự án trên ba chặng của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông là các chặng Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) và Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai). Đây là ba dự án với hình thức đầu tư công, theo kế hoạch, sẽ hoàn thành vào tháng 12/2022, khi đó Việt Nam sẽ có thêm 260 km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Trong đó có 200 km nối từ Bình Thuận đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Hiện nay, trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông còn 3 dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong năm 2023, có thể sẽ có thêm hơn 654 km của 11 dự án các chặng thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh và từ Nha Trang đến TP.HCM được đưa vào khai thác…

***

Với những người lái xe, lâu lâu mới trở lại một miền đất nào đó, dễ bất ngờ và ngỡ ngàng khi thấy một con đường cao tốc mới, rất hiện đại, hiện ra. Thông tin khái quát, con số và tiến độ các tuyến đường trong mạng lưới đường cao tốc nêu ở trên sẽ dễ dàng cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về sự hiện ra ấy. Từ đây, ta đã thấy đất nước bắt đầu thênh thang trên các đại lộ. Những đại lộ mở ra những bệ phóng cho thông thương và phát triển.

Lịch sử cách đây hơn một ngàn năm, Lý Công Uẩn mở ra triều Lý, đã dời đô từ Hoa Lư về đất Thăng Long “rồng phục hổ ngồi”. Thăng Long bắt đầu hình thành các phường hội làng nghề, giao thương xuất hiện với sự ra đời của tầng lớp thương nhân. Một kiến tạo vĩ đại của Lý Công Uẩn để cho “rồng phục” cất mình bay lên làm thành kinh thành Thăng Long sầm uất, thành trung tâm kinh tế và văn hóa, chính là việc tập hợp sức dân khổng lồ đào và mở dòng sông Đuống. Vị vua này đã nâng châu Cổ Pháp lên thành phủ Thiên Đức và đặt tên Thiên Đức cho dòng sông đào mới từ những vùng tù đọng quanh co của dòng Đuống cũ. Sông Thiên Đức nối từ sông Hồng sang nhập vào cửa Lục Đầu Giang, kết nối ba con sông có chữ Đức trong tên gọi là Minh Đức (sông Lục Nam), Nhật Đức (sông Thương) và Nguyệt Đức (sông Cầu) đổ ra thành sông Thái Bình. Tứ đức nhật nguyệt thiên minh từ đó mới tỏa sáng. Không chỉ chia nước, ngăn những cơn lũ xối thẳng vào kinh thành Thăng Long, sông Đuống đã kết nối giao thông đường thủy với hệ thống các sông khác để mở ra giao thương, buôn bán, thúc đẩy sản xuất và phát triển ở cả vùng Bắc Bộ. Không chỉ thế, đây còn là thiên la địa võng cho nhà Trần sau này chủ động tiến thoái mà đối đầu, làm nên kỳ tích ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông.

Nghĩ như thế, để thấy mạng lưới đường cao tốc của đất nước hôm nay đang mở ra những thênh thang, thật sự cũng là một kiến tạo vĩ đại của thời vận mới, tạo nền cho những phát triển thần kỳ mới hướng tới mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư