Shimao Group đang gánh một núi nợ đáo hạn trong năm 2022 - Ảnh: Getty Images |
Theo CNN, tập đoàn Shimao, có trụ sở tại Thượng Hải, đã không thể thanh toán tiền lãi và gốc cho số trái phiếu trị giá 1 tỷ USD đáo hạn vào ngày 3/7. Tài liệu chào bán cho thấy số trái phiếu này không có thời gian gia hạn thanh toán lãi và gốc kể từ khi đáo hạn.
"NÚI" NỢ ĐÁO HẠN NĂM 2022
Sau nhiều tháng vật lộn với một loạt rắc rối tài chính, đây là lần đầu tiên tập đoàn này không thể thực hiện các nghĩa vụ đối với trái phiếu bằng đồng USD của mình.
Từ năm 2020, thị trường địa ốc Trung Quốc liên tục đi từ cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng. Chính phủ nước này đã siết chặt kiểm soát nhằm hạ nhiệt giá nhà và ngăn ngừa rủi ro trên thị trường đang phát triển quá nóng.
Các vấn đề leo thang đáng kể từ mùa thu năm ngoái, khi China Evergrande - tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc - bắt đầu rơi vào khủng hoảng tiền mặt. Với khoản nợ lên tới khoảng 300 tỷ USD, China Evergrande trở thành tập đoàn địa ốc nợ nhiều nhất thế giới. Vào tháng 12/2020, tập đoàn bị Fitch Ratings gắn nhãn là “vỡ nợ”.
Dù đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy doanh số nhà tháng 6 tại Trung Quốc giảm ít hơn so với những tháng trước, nhưng con đường hồi sinh lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc có thể sẽ "khá gập ghềnh". Nguyên nhân là Bắc Kinh vẫn kiên định với cách tiếp cận Zero-Covid với những biện pháp hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt.
NOMURA HOLDINGS
Theo ước tính của Mood’s đầu năm nay, Shimao Group gánh một núi nợ đáo hạn trong năm 2022, bao gồm số trái phiếu quốc tế trị giá 1,7 tỷ USD, số trái phiếu nội địa trị giá 8.900 tỷ Nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) cùng nhiều khoản vay ngân hàng lớn ở nước ngoài.
Do doanh nhân Hui Wing Mau thành lập vào năm 2001, Shimao Group sở hữu nhiều dự án nhà ở và khách sạn quy mô lớn trên khắp Trung Quốc, bao gồm Shanghai Shimao International Plaza – một trong những tòa tháp cao nhất ở trung tâm Thượng Hải.
Hồi tháng 3, công ty này ước tính lợi nhuận ròng năm 2021 giảm khoảng 62% so với năm trước, chủ yếu do môi trường “khắc nghiệt” mà ngành địa ốc Trung Quốc đang đối mặt. Shimao cũng trì hoãn việc công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lý do phong tỏa ở Thượng Hải.
"Do những thay đổi đáng kể về môi trường vĩ mô trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc từ nửa cuối năm 2021 và tác động của Covid-19, tập đoàn đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về doanh số theo hợp đồng những tháng gần đây. Dự báo điều này sẽ tiếp tục trong thời gian tới cho đến khi lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc ổn định hơn”, Shimao viết trong tài liệu gửi cơ quan chức năng hôm 3/7.
Tập đoàn này cũng nói thêm rằng họ đã cố gắng tìm kiếm "những giải pháp thân thiện" với các chủ nợ để giải quyết việc không thể thanh toán tiền gốc cho các khoản nợ quốc tế khác. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, các chủ nợ có thể buộc tập đoàn này đẩy nhanh việc trả nợ.
CON ĐƯỜNG PHỤC HỒI "ĐẦY CHÔNG GAI"
Kể từ khi Evergrande vỡ nợ, hàng loạt công ty phát triển bất động sản đình đám của Trung Quốc cũng “nối gót”, trong đó có Fantasia và Kaisa.
Các vấn đề trong lĩnh vực này càng thêm trầm trọng hơn khi Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chiến lược Zero-Covid để kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu. Đầu năm nay, nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, bị áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh.
Tháng trước, Sunac China - có trụ sở tại Bắc Kinh, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã đổ lỗi rằng bùng phát dịch Covid khiến doanh thu của họ giảm mạnh trong tháng 3 và tháng 4, đồng thời ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản của công ty. Công ty này cũng thừa nhận đã vỡ trợ đối với một khoản trái phiếu bằng đồng USD.
Theo một khảo sát của hãng nghiên cứu địa ốc China Index Academy mới đây, giá nhà mới tại 100 thành phố của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, năm nay, các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nhằm phục hồi doanh số bán nhà, ngăn chặn sự suy thoái của lĩnh vực quan trọng này. Các biện pháp hỗ trợ được đưa ra bao gồm giảm lãi suất vay thế chấp mua nhà và nới lỏng các quy định với việc sở hữu nhà đất.
Một số công ty phát triển bất động sản cũng đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy doanh số, từ chấp nhận thanh toán bằng ngũ cốc hoặc tỏi cho tới tặng lợn như một ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng mua nhà.
Theo các nhà phân tích của Nomura Holdings, dù đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy doanh số nhà tháng 6 tại Trung Quốc giảm ít hơn so với những tháng trước, nhưng con đường hồi sinh lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc có thể sẽ "khá gập ghềnh". Nguyên nhân là Bắc Kinh vẫn kiên định với cách tiếp cận Zero-Covid với những biện pháp hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt.