Theo người dân, mức giá đền bù chỉ 125 triệu/m2, trong khi giá thị trường tại khu tập thể đã hơn 300 triệu/m2 |
Khu đất rộng 6.274m2 tại số 34, 36, 42 đường Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) là khu tập thể của hàng chục hộ dân là cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) từ năm 1975 tới nay.
Khu đất này thuộc diện công sản, được xem là "đất vàng" khi toạ lạc ngay trung tâm Quận 1, TPHCM, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn quản lý, sử dụng.
Năm 2008, khu tập thể này được phê duyệt chủ trương giải toả để làm Dự án khách sạn cao cấp, Cao ốc văn phòng và Trung tâm thương mại cho thuê.
Để thực hiện dự án này, từ năm 2009, Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân thành lập liên doanh Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Việt Hân Sài Gòn. Trong liên doanh này, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng một phần quyền sử dụng đất, còn Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt.
Quá trình thực hiện, các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã được triển khai một cách “chóng vánh”. Các hộ dân cho biết, mức giá đền bù được chủ đầu tư đưa ra thương lượng thời điểm đó là 125 triệu đồng/m2.
Theo người dân, mức giá này là quá “bèo”, chưa bằng một nửa giá thị trường. Vì vậy, số đông các hộ dân được áp giá đền bù đều không đồng tình, chưa chịu nhận đền bù và phản ứng quyết liệt với đơn vị thực hiện dự án.
Đáng chú ý, theo biên bản cuộc họp ngày 30/11/2018 giữa đại diện CBCNV Vinafood 2 với Công ty Việt Hân Sài Gòn và UBND phường Bến Nghé thì người dân vẫn kiên quyết từ chối di dời. Nguyên nhân, do mức giá đền bù chỉ 125 triệu/m2, trong khi giá thị trường khu vực này hơn 300 triệu/m2. Đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn lại cho rằng mức giá đền bù là theo thẩm định giá độc lập.
Cũng tại cuộc họp trên, trước tất cả các bên, người dân cũng tố việc, dù không thương lượng được với dân nhưng ngày 13/11, Công ty Việt Hân đã vẫn cho người xông vào khu nhà dân, rào chắn, giăng kẽm gai… gây náo loạn khu vực.
Làm trái chỉ đạo của Thủ tướng?
Theo Kết luận thanh tra số 5278 về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giao tại Tổng Công ty lương thực miền Nam thì đơn vị bị thanh tra đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm khi triển khai dự án Khách sạn cao cấp, Cao ốc văn phòng và Trung tâm thương mại cho thuê tại khu tập thể nói trên.
Kết luận thanh tra nêu: việc Tổng giám đốc Vinafood 2 thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Hân về việc đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân ở khu đất thực hiện dự án là sai với nội dung Nghị quyết số 01/NQ-HĐTV ngày 5/2/2015 của Hội đồng thành viên Vinafood 2, trái với thỏa thuận giữa Công ty Việt Hân với Vinafood 2 tại văn bản số 14 ngày 4/2/215 của Công ty Việt Hân.
Không chỉ vậy, việc làm nói trên cũng sai với nội dung văn bản số 2022 ngày 23/6/2015 của Vinafood 2, văn bản số 5598 ngày 14/7/2015 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) trình Thủ tướng Chính phủ.
Chưa dừng lại ở đó, việc “bắt tay” giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân liên quan tới đền bù giải phóng mặt bằng cho 34 hộ dân còn trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại Công văn số 1647 ngày 15/9/2015 “Về việc thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du, 34,36 và 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM”.
Việc Hội đồng thành viên Vinafood 2 ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV có nội dung về đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất thực hiện dự án là trái với chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại văn bản số 5598 ngày 14/7/2015, văn bản số 7887 ngày 25/9/2015 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1647 ngày 15/9/2015.
Ngoài ra, kết luận thanh tra còn cho thấy, Ngân sách Nhà nước cũng đang đứng trước nguy cơ bị thất thoát hơn 54 tỷ đồng do việc chi tiền cho đền bù, giải phóng mặt bằng dự án.