Việc xin phá sản có thể giúp Forever 21 loại bỏ các cửa hàng không có lợi nhuận và huy động được nguồn vốn mới - Ảnh: Getty Images. |
Chuỗi thời trang Forever 21 ngày 29/9 đã đệ đơn xin phá sản theo chương 11 của Luật phá sản Mỹ. Theo đó, hãng này sẽ đóng cửa 178 trên tổng số hơn 800 cửa hàng.
Linda Chang, phó chủ tịch Forever 21 cho biết việc đệ đơn phá sản theo chương 11 là "bước đi cần thiết và quan trọng để đảm bảo tương lai của công ty, cho phép chúng tôi tái cơ cấu tổ chức và định vị lại Forever 21".
Forever 21 là hãng bán lẻ mới nhất sụp đổ trong bối cảnh mua sắm trực tuyến đang lên ngôi, khiến lượng khách tới các trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ giảm đáng kể. Khối nợ lớn cùng với chi phí mặt bằng cao cũng là gánh nặng lớn đối với các hãng bán lẻ truyền thống.
Những năm gần đây, nhiều hãng bán lẻ kinh doanh èo uột đã phải tuyên bố phá sản, thậm chí các hãng làm ăn tốt cũng phải đóng nhiều cửa hàng.
"Các hãng bán lẻ đang phụ thuộc vào nợ để tăng trưởng luôn mẫn cảm với sự suy giảm", Greg Portell, đối tác trưởng phụ trách hoạt động bán lẻ và tiêu dùng toàn cầu của hãng tư vấn A.T. Kearney, cho biết.
Từ đầu năm đến nay, các hãng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 8.200 cửa hàng, vượt qua tổng số 5.589 cửa hàng của năm ngoái, theo dữ liệu từ Coresight Research. Hãng bán lẻ Payless ShoeSource và Gymboree của Mỹ đều đã đệ đơn xin phá sản lần thứ hai, đóng cửa tổng cộng gần 3.000 cửa hàng. Coresight dự báo số lượng cửa hàng bán lẻ truyền thống bị đóng cửa có thể lên tới 12.000 vào cuối năm 2019.
Forever 21 được thành lập vào năm 1984 trong một cửa hàng nhỏ ở Los Angeles bởi Do Won Chang và vợ Jin Sook - hai người nhập cư từ Hàn Quốc. Chuỗi cửa hàng này nhanh chóng mở rộng ra các trung tâm thương mại ở ngoại ô, chuyên bán trang phục và phụ kiện dành cho nữ, bé gái với giá rẻ. Công ty này hoàn thiện mô hình thời trang "ăn liền", thu hút khách hàng với các bộ sưu tập liên tục được cập nhật.
"Chúng tôi có sản phẩm mới mỗi ngày. Với hầu hết các hàng ở trung tâm thương mại khác, thường là một hoặc hai sản phẩm mỗi tuần", một quản lý cửa hàng của Forever 21 cho biết vào năm 2001. "Chúng tôi luôn cập nhật phong cách mới nhất".
Forever 21 bắt đầu mở những cửa hàng khổng lồ, như cửa hàng 4 tầng rộng hơn 8.300 m2 với 151 phòng thử đồ tại trung tâm Quảng trường Thời đại ở New York. Chuỗi này hiện có hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh, với các đối thủ gồm Zara, H&M và Amazon.com.
Vài năm gần đây, trong khi nhiều hãng bán lẻ bắt đầu thu hẹp mạng lưới cửa hàng, Forever 21 vẫn tiếp tục mở thêm. Trong khi đó, các hãng bán lẻ truyền thống chuyên bán thời trang dành cho người trẻ và thiếu niên đều gặp nhiều khó khăn do chu kỳ thời trang ngày càng rút ngắn và người dùng có xu hướng chuyển sang mua hàng trực tuyến.
"Kết hợp giữa mô hình thời trang 'ăn liền' và tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng nhanh chóng đã làm gia tăng rủi ro khi khiến các hãng bán lẻ có nguy cơ bắt nhầm xu hướng và bỏ lỡ chu kỳ", Portell cho biết.
Việc xin phá sản có thể giúp Forever 21 loại bỏ các cửa hàng không có lợi nhuận và huy động được nguồn vốn mới.
Trong 5 năm qua, Wet Seal, American Apparel và Delia đều đã tuyên bố phá sản và đóng toàn bộ cửa hàng. Năm 2016, hãng Aeropostale cũng tuyên bố phá sản nhưng vẫn mở cửa một số cửa hàng. Năm ngoái, đế chế bán lẻ "từng thay đổi cả nước Mỹ" Sears chính thức đệ đơn xin phá sản sau nhiều thập kỷ thoi thóp do doanh số sụt giảm, thua lỗ liên tiếp và nợ chồng chất. Năm nay, hãng Charlotte Russe cũng đã tuyên bố phá sản.
Tuy nhiên, trong khi nhiều hãng bán lẻ lâm vào khó khăn sau khi được bán cho các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân hoặc quỹ đầu cơ, Forever 21 hiện vẫn thuộc sở hữu của các nhà sáng lập. Theo Forbes, hai nhà sáng lập Won và Chang sở hữu tài sản 1,5 tỷ USD và công ty thời trang chưa niêm yết của họ có doanh thu hàng năm 3,4 tỷ USD với 30.000 nhân viên.